Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ có 41 căn cứ, trong đó 27 căn cứ đóng tại phía tây bờ biển nước Mỹ, 2 tại đảo Guam, 3 tại Hawaii, 6 tại Nhật Bản. Tại Singapore, Diego Garcia-Ấn Độ Dương và Bharain, mỗi nơi có 1 căn cứ. Dưới đây là một số căn cứ quan trọng của hạm đội này.
Căn cứ Trân Châu Cảng
Nằm ở bờ phía Nam đảo Oahu trong quần đảo Hawaii, đây là căn cứ có vị trí chiến lược hết sức quan trọng bởi nó khống chế khu vực giữa Thái Bình Dương, đồng thời là trạm trung chuyển của tuyến đường hàng hải, hàng không từ phía tây nước Mỹ sang châu Á, châu Đại Dương và là căn cứ tiền tiêu đối với lãnh thổ Mỹ.
Trân Châu Cảng được bao bọc bởi núi ở 3 mặt đông-tây-bắc, chiều dài hướng đông tây là 8,36km, chiều rộng hướng nam bắc là 7,4km, diện tích khoảng 32km2. Bốn khu vực cảng (phía đông, phía tây, phía đông nam và cảng giữa) có độ sâu từ 10-20m, tuyến đường duy nhất ra vào cảng có độ sâu 13,6m.
Một phần căn cứ Trân Châu Cảng. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Khu vực cảng giữa và cảng phía đông là nơi neo đậu chủ yếu của lực lượng tàu mặt nước; cảng đông nam là nơi neo đậu của lực lượng tàu ngầm. Trong cảng có hơn 140 bến với tổng tuyến bờ dài hơn 20km, toàn bộ cảng có thể neo đậu được khoảng 500 tàu chiến các loại.
Xưởng đóng và sửa chữa tàu chiến có 4 ụ tàu cỡ lớn, trong đó có 3 ụ có thể làm nơi sửa chữa đối với tàu sân bay và 1 ụ có thể làm nơi sửa chữa tàu ngầm và tàu khu trục, cùng lúc xưởng có thể sữa chữa khoảng 50 tàu chiến các loại.
Lực lượng đóng tại Trân Châu Cảng gồm: Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Bộ tư lệnh Thuỷ quân lục chiến hạm đội, Bộ tư lệnh Tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương, Trung tâm huấn luyện tàu ngầm và Học viện hải quân. Tàu chiến đóng tại đây gồm 15 tàu mặt nước, 16 tàu ngầm hạt nhân tấn công và hơn 20 tàu chiến các loại.
Căn cứ San Diego
Nằm ở vị trí khống chế khu vực biển phía đông Thái Bình Dương, San Diego là căn cứ hải quân tổng hợp lớn nhất của Hạm đội Thái Bình Dương, đồng thời cũng là căn cứ hải quân lớn thứ hai chỉ sau căn cứ hải quân Norfolk của Hạm đội Đại Tây Dương.
Khu vực căn cứ hải quân San Diego nằm ở phía nam cảng San Diego, tổng tuyến bờ của các bến tàu dài 16,5km, sâu 6-11m.
Lực lượng đóng tại đây gồm: Bộ tư lệnh hàng không, Bộ tư lệnh tàu mặt nước của Hạm đội Thái Bình Dương; Bộ tư lệnh Hạm đội 3; Cụm Thuỷ quân lục chiến viễn chinh số 1. Lực lượng tàu chiến đóng tại đây khoảng hơn 100 chiếc, trong đó bao gồm 3 tàu sân bay động lực hạt nhân (Nimitz, Stennis, Reagan), 5 tàu tấn công lưỡng thê, 7 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 6 tàu tuần dương tên lửa; 13 tàu khu trục tên lửa...
Trong căn cứ còn bố trí cơ sở tác chiến lưỡng thê, trạm hàng không hải quân, trung tâm huấn luyện hải quân, trung tâm huấn luyện chống ngầm hạm đội, trung tâm huấn luyện tác chiến lưỡng thê, trung tâm cung cấp hậu cần và bệnh viện hải quân...
Căn cứ Diego Garcia
Diego Garcia được mệnh danh là “Tàu sân bay không thể chìm”, là căn cứ tác chiến hải quân quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương, có vai trò cực kì quan trọng trong việc bảo vệ tuyến giao thông đường không, đường biển và lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực này.
Căn cứ này nằm ở đảo Diego Garcia thuộc quần đảo Chagos Arch, giữa Ấn Độ Dương, có diện tích 44km2. Có 2 tuyến đường thủy có độ sâu 13,7m; 1 bến tàu dài 609m, rộng 70m có thể neo đậu tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân tấn công; bến cung cấp dài 170m.
Ngoài ra, trong căn cứ còn có 2 kho đạn, 8 kho xăng dầu, trạm phát điện, trạm thông tin hải quân, trạm thu vệ tinh, trạm trinh sát vô tuyến điện.
Trong căn cứ có 1 đường băng dài 3,6km, rộng 40m, có thể làm nơi cất/hạ cánh cho các loại máy bay ném bom hạng nặng tầm xa như B-52, B-1B, B-2A... Diện tích bãi đậu máy bay rộng 370.000m2, có thể chứa được khoảng 100 máy bay các loại.
Hiện Diego Garcia được xem là căn cứ tác chiến hải, không quân và là căn cứ cung cấp hậu cần quan trọng của Mỹ trong khu vực.
Căn cứ Bahrain
Đây là căn cứ hải quân lớn thứ 2 của hải quân Mỹ trên Ấn Độ Dương. Đồng thời là trung tâm chỉ huy của lực lượng Mỹ tại Trung Đông, là nơi cung cấp hậu cần, thông tin và sửa chữa cho các hoạt động của lực lượng Mỹ trên khu vực vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, biển Ảrập.
Căn cứ này là một trong những cứ điểm quan trọng của Mỹ trong việc khống chế vịnh Ba Tư và tây Ấn Độ Dương, đồng thời bảo vệ tuyến cung ứng dầu mỏ trên biển ở khu vực vịnh Ba Tư. Căn cứ Bahrain gồm có căn cứ Hải quân Jafal và cảng Manasuman.
Căn cứ hải quân Jafal nằm cách phía đông nam Manamah khoảng 8km, bên trong có 8 bến tàu với chiều dài mỗi bến khoảng 800m. Ngoài ra, trong cảng còn có xưởng sửa chữa tàu chiến. Lực lượng hải quân Mỹ đóng tại đây gồm: Bộ tư lệnh Hạm đội 5, Phân thê đội thuỷ quân lục chiến, Phân thê đội tác chiến đặc nhiệm. Lực lượng tàu chiến đóng tại đây khoảng hơn 20 chiếc các loại.
Cảng Manasuman nằm ở phía bắc đảo Baharain, có độ sâu 9-13m, trong cảng có 2 bến tàu hàng và 2 bến tàu công-ten-nơ. Đây là cảng vận tải hậu cần lớn thứ hai của Mỹ tại nước ngoài.
Hiện lực lượng đóng tại đây gồm 1 tổ hành động mặt nước, đảm trách việc chi viện hậu cần cho lực lượng tàu ngầm và tàu mặt nước hoạt động trong khu vực do Hạm đội 5 quản lý.
Căn cứ Bangor
Nằm ở phía tây bắc nước Mỹ - rất gần Nga và Trung Quốc, đây là một trong 2 căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớn của Mỹ.
Căn cứ Bangor có 6 bến tàu, có thể neo đậu được các tàu chiến cỡ lớn. Các bến tàu đều có thiết bị sữa chữa, khử từ trường và các thiết bị huấn luyện tiên tiến. Trong căn cứ có khu vực diễn tập tàu ngầm hạt nhân dài 17km, rộng 1,8-2km, sâu 49m. Ngoài ra, còn có trung tâm ngư lôi hải quân, xưởng sửa chữa tàu hải quân, căn cứ hải quân Everest…
Lực lượng đóng ở căn cứ Bangor gồm các cụm chiến đấu tàu sân bay Carlvinson và Lincoln, đội tàu ngầm số 9 (gồm 10 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Ohio).
Nguyên Phong
Xem Iran tập trận hoành tráng tại eo biển Hormuz
Cuộc tập trận Zolfaghar-99 của Iran diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang giữa nước này và Mỹ.
Tên lửa siêu việt của Nga khiến tình báo Anh lo sốt vó
Tên lửa Skyfall mới của Nga có thể bay quanh trái đất nhiều năm và thực hiện một đòn tấn công hạt nhân vào bất cứ lúc nào, chỉ huy cơ quan tình báo quốc phòng Anh cảnh báo.