Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể
Liên minh HTX tỉnh Hà Giang vừa có báo cáo sơ kết hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về KTTT, trọng tâm là HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Giang Lò Thị Mỷ, kinh tế tập thể của Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX bước đầu đã có những thành tích đáng ghi nhận góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của các xã viên tham gia.
Cụ thể, ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang để triển khai thực hiện Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo trên các lĩnh vực để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, Hà Giang đã tập trung phát triển các HTX dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; củng cố các HTX hiện có, phát triển HTX mới về số lượng và chất lượng. Với các HTX đã đi vào hoạt động ổn định, địa phương tập trung các nguồn lực hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ; nâng cao trách nhiệm của từng xã viên. Chính nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý Nhà nước trong tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, các HTX trên địa bàn đã từng bước khẳng định được vai trò của mình.
Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Hà Giang có 1.451 tổ hợp tác với trên 21.000 thành viên tham gia, 835 HTX với 22.250 thành viên. Lợi nhuận bình quân của một HTX đạt khoảng 350 triệu đồng. Nhiều HTX điển hình hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị như: HTX Cao nguyên xanh (Mèo Vạc) đã liên kết với trên 100 hộ dân để nuôi hơn 1.200 đàn ong mật; HTX Cát Lý, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) liên kết với các hộ dân huyện vùng cao để phát triển chăn nuôi bò Vàng… Bên cạnh đó, nhiều HTX đã bước đầu ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh như: HTX Tuấn Dũng huyện Mèo Vạc; HTX rau an toàn Học Lập, HTX Nông dân trồng Cam sạch Vĩnh Phúc của huyện Bắc Quang...
Phát triển HTX mới cả về số lượng và chất lượng
Nói về định hướng phát triển các HTX trong thời gian tới, bà Lò Thị Mỷ cho biết: Quan triệt tinh thần Nghị quyết 20, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của Hà Giang đang quyết tâm đưa KTTT trở thành một trong những thành tố chính trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Quán triệt nhiệm vụ đổi mới khu vực KTTT, nòng cốt là các HTX là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Trước mắt, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang sẽ tập trung đầu tư cho các HTX sản xuất chế biến nông sản để trở thành cầu nối cho nông sản Hà Giang trở thành hàng hóa có chất lượng trên thị trường toàn quốc. Các mặt hàng đặc trưng của địa phương sẽ được đẩy mạnh cấp chứng nhận OCOP và xúc tiến thương mại như: chè Shan tuyết, rượu ngô men lá, gạo đặc sản, mật ong bạc hà, hàng thủ công truyền thống ở các huyện vùng cao.
Về mục tiêu phát triển các HTX mới, trong 10 tháng năm 2023, gần 30 HTX, tổ hợp tác mới đã được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, 100% HTX đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó đẩy mạnh phát triển các HTX kiểu mới gắn sản xuất với thương mại và dịch vụ du lịch, gắn du lịch với phát triển làng nghề hoặc gắn du lịch sinh thái với các vùng sản xuất OCOP.
Được biết, qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết 20, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn về nguồn lực nhưng số lượng HTX nông nghiệp tại Hà Giang đang có xu hướng tăng nhanh. Nhiều HTX đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trong đó tập trung vào các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của tỉnh như: sản phẩm cam, dược liệu, chè ở các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê. Hoặc gắn du lịch với phát triển cây ăn trái, homestay như ở Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh…
“Đặc biệt, nhiều HTX đã tích cực tham gia hình thành mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chú trọng tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ví dụ, vùng sản xuất cam sạch Tiên Kiều (Bắc Quang), vùng sản xuất Cam Vàng xã Vĩnh Phúc… Các HTX kiểu mới đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương”, bà Mỷ kết luận.