Sau gần 30 năm làm tiếp viên đường sắt, ông Đặng Cao Trường (trạm đường sắt Vinh, Nghệ An) đã không còn nhớ mình phục vụ bao nhiêu chuyến tàu, bao nhiêu hành khách, nhưng 3 lần đón Tết trên tàu lại là những khoảnh khắc không thể nào quên. 

Lần thứ nhất ông Trường đón giao thừa khi chuyến tàu Sài Gòn - Hà Nội đến Lăng Cô vào năm 2005. Lần thứ 2 ở trên đèo Hải Vân vào năm 2009 và lần thứ 3 vào năm 2011 khi ông đã chuyển sang chạy tàu Hà Nội - Vinh.

c1e74ff5 0615 4517 b351 472c83998af4.jpeg
Ông Đặng Cao Trường cần mẫn với công việc tiếp viên đường sắt.

“Trong 3 lần ấy, ấn tượng nhất là khoảnh khắc đoàn tàu từ Sài Gòn ra đến đèo Hải Vân đúng vào thời khắc 0h đêm giao thừa năm 2009. Chuyến tàu SE8, chuyến tàu cuối cùng năm cũ rời ga Sài Gòn, chở theo 160 hành khách chạy xuyên mùa xuân từ Nam ra Bắc. 

Anh em được tổng công ty, trạm tổ chức giao thừa trên toa cung ứng rất vui. Vì thế, dù không được đoàn tụ cùng gia đình trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới nhưng chúng tôi đều cảm thấy được quan tâm, sẻ chia ấm áp. 

Thông thường hành khách trên những chuyến tàu cuối cùng của năm là công nhân, lao động, trong ánh mắt họ luôn ánh lên niềm vui khi được về nhà. Vào thời khắc giao thừa họ cũng rộn ràng gọi điện cho gia đình rồi hòa vào không khí đón năm mới trên tàu.

Đoàn tàu vút qua những tiếng pháo đì đùng, những chùm pháo sáng của các nhà dân đốt ven đường. Mùa xuân đến với mọi nhà, còn chúng tôi rộn ràng niềm vui dọc tuyến đường tàu", ông Trường kể. 

Thế nhưng, cũng có những hành trình về quê đón Tết phải ngắt quãng dọc đường vì lý do bất ngờ. Đó là trường hợp của người mẹ trẻ trên chuyến tàu Hà Nội - Vinh vào chiều 29 Tết cách đây mấy năm.

Ông Trường nhớ lại, nữ hành khách cùng con trai khoảng 4 tuổi lên tàu với đồ đạc lỉnh kỉnh. Tàu rời ga, bé trai bắt đầu quấy khóc, người nóng hầm hập.

Từng được học qua về sơ cứu, ông Trường lập tức đo nhiệt độ cho cháu bé và khẩn trương báo cáo trưởng tàu, phát loa tìm kiếm sự trợ giúp từ các hành khách có chuyên môn. 

Đến ga Thanh Hóa, dù đã được uống hạ sốt nhưng cháu bé rơi vào trạng thái lơ mơ, thân nhiệt không giảm. Không chần chừ ông Trường đã đưa mẹ con hành khách xuống tàu đi cấp cứu. 

“Tại bệnh viện, chờ cho cháu bé được xử trí ổn thỏa, qua cơn nguy hiểm, tôi mới quay lại ga đợi chuyến tàu sau. Trở về nhà trễ hơn nhiều giờ so với kế hoạch, biết là vợ con mong ngóng nhưng tôi cảm thấy vui vì mình làm được việc tốt”, ông Trường nói. 

Sẵn sàng phục vụ hành khách mọi lúc

Do đặc thù công việc nên ông Trường luôn sẵn sàng nhận lịch đi tàu bất kể lúc nào, kể cả trong thời khắc giao thừa. Khi ông vắng nhà những ngày Tết, việc cúng bài tổ tiên do một tay vợ ông lo liệu.

truong.jpeg
Ông Trường kiểm tra giường nằm cho hành khách.

“Mỗi lần nhận lịch đi làm Tết, tôi thường sắp xếp thời gian nghỉ trước đó để sắm sửa cho gia đình. Cũng may tôi có hậu phương vững chắc, vợ và các con đều hiểu, chia sẻ công việc với tôi. 

Vì thế, biết khoảnh khắc giao thừa tôi sẽ bận rộn với việc phục vụ khách, đôi khi chưa kịp gọi điện chúc Tết thì các con đã gọi. Thông thường trước giao thừa ít phút tôi sẽ gọi điện chúc Tết mẹ, vợ và các con rồi vội vàng đi làm nhiệm vụ”, ông Trường nói. 

Chuyến tàu cuối cùng trong năm nay của ông Trường sẽ khởi hành từ ga Hà Nội lúc 13h20 đến Vinh vào 19h20 ngày 29 Tết. Sau đó ngày mùng 2 Tết ông lại tiếp tục theo chân những chuyến tàu.

Với mong muốn mang đến cho hành khách những trải nghiệm tốt nhất trong năm mới, ông Trường cùng các đồng nghiệp trong tổ tiếp viên luôn cố gắng chỉn chu trong từng chi tiết. Những tấm chăn, ga, chiếu được tổ tiếp viên cẩn thận gấp gọn gàng, vuốt phẳng phiu để chờ đón hành khách khởi đầu một hành trình mang nhiều hy vọng.