Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Chu Hồi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về hiện trạng cũng như tiềm năng phát triển của các “địa chỉ đỏ” nêu trên.
Khu bảo tồn biển: Công cụ hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển
Khu bảo tồn biển được xem là một cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, như: Nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm.
Hệ thống 16 khu bảo tồn biển Việt Nam được quy hoạch năm 2010 (theo Quyết định số 742 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020) đã góp phần thực hiện các cam kết quốc tế ở Johanesburg năm 2002 về các mục tiêu thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó có Mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển/đại dương.
Sau 10 năm thực hiện quy hoạch hệ thống quốc gia về khu bảo tồn biển, bên cạnh quá trình quy hoạch kéo quá dài (từ năm 1998 đến năm 2010) làm mất một số cơ hội đầu tư quốc tế, thì tới năm 2018 cũng chỉ có 11/16 khu bảo tồn biển được quản lý bước đầu, nghĩa là chừng 0,18% diện tích vùng biển nước ta được bảo tồn.
Trong khi đó, Chiến lược biển 2030 đã yêu cầu: Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
“Một số khu bảo tồn biển đã cho phép triển khai dịch vụ du lịch lặn từ năm 1994, như ở Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm - bước đầu tiếp cận phát triển kinh tế bảo tồn. Nhưng, cần lưu ý rằng thị trường du lịch lặn chỉ được duy trì và mở rộng khi các tài sản tự nhiên được gìn giữ, đặc biệt là rạn san hô, tức là các hoạt động dịch vụ trong khu bảo tồn biển phải được kiểm soát và bảo đảm thân thiện với môi trường biển”, ông Hồi nhấn mạnh.
Khu dự trữ sinh quyển: Không gian xanh với hệ động thực vật phong phú
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu vực tự nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú, đa dạng. Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 6 khu phân bố ở ven biển và đảo ven bờ. Đó là, các khu dự trữ sinh quyển: Rừng ngập mặn Cần Giờ, Cát Bà, châu thổ sông Hồng, vùng ven biển và biển đảo Kiên Giang, Hội An - Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau.
Trong số này, Khu dự trữ sinh quyền Hội An - Cù Lao Chàm hội tụ cả không gian văn hóa di sản thành phố cổ Hội An với không gian tự nhiên của quần đảo Cù Lao Chàm, bao gồm khu bảo tồn biển cùng tên. Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển cửa sông Cửu Long (ven biển 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng) đang được đề xuất.
Trong thực tế, khu dự trữ sinh quyển thường có diện tích lớn, có thể bao gồm các khu vực có giá trị bảo tồn tự nhiên cao, thậm chí là các khu bảo tồn thiên nhiên đã được công nhận về mặt pháp lý, cũng như các khu dân cư, thường thuộc các chủ thể quản lý hành chính khác nhau. Vì vậy, quản lý khu dự trữ sinh quyển thường dựa trên cách tiếp cận liên vùng, liên ngành, liên cơ quan...
“Mặc dù có tầm quan trọng lớn, nhưng gần 20 năm, các khu dự trữ sinh quyển ở nước ta vẫn chưa có bộ, ngành nào quản lý trực tiếp. Ủy ban Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO chỉ là các cơ quan trợ giúp kỹ thuật và điều phối quan hệ quốc tế trong mạng lưới toàn cầu. Vì thế, địa phương nào ủng hộ thiết lập thì phải trực tiếp quản lý về mặt nhà nước, nên rơi vào tình trạng kinh phí luôn thiếu, cán bộ yếu và mỏng, hiệu quả quản lý phụ thuộc nhiều vào mức độ chủ động của người đứng đầu địa phương”, ông Hồi băn khoăn.
Khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản: Làm giàu nguồn lợi thủy sản
Quyết định số 1479 ngày 13/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, bao gồm 6 khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch năm 2015, trong đó có khu bảo tồn vùng nước nội địa cửa sông Hồng và ven biển Cà Mau.
Tuy nhiên, do có sự chồng chéo giữa Luật Thủy sản (năm 2003) và Luật Đa dạng sinh học (năm 2008), cũng như các văn bản hướng dẫn, nên đến nay, chưa có khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia nào được Chính phủ phê duyệt thành lập.
“Để xử lý bất cập này, Luật Thuỷ sản (năm 2017) đã quy định về “khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” để tránh chồng chéo với Luật Đa dạng sinh học, theo đó, hoạt động quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có thể linh hoạt giao cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý. Cách làm này vừa huy động được nguồn lực từ xã hội, vừa nâng cao nhận thức của người dân, vừa giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Hồi cho hay.
Cũng theo ông Hồi, thực hiện Thông tư số 19 ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong hệ đầm phá ven biển Tam Giang - Cầu Hai với với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt là 614,2 ha, chiếm gần 3% diện tích hệ đầm phá. Các khu bảo vệ này đi vào hoạt động với sự tham gia tích cực của các chi hội nghề cá với phương thức đồng quản lý đã đem lại những chuyển biến tích cực trong làm giàu nguồn lợi thuỷ sản ở khu bảo vệ nói trên.
Tiếp đó, các tỉnh Bến Tre và Kiên Giang cũng đã thiết lập thí điểm 2 khu bảo vệ nguồn giống tự nhiên nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ.