- Dự thảo luật Báo chí được QH thảo luận hôm nay có nhiều điểm mới so với luật Báo chí hiện hành, trong đó tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp Hiến pháp năm 2013.
Một trong những điểm mới nhất của dự thảo luật Báo chí mới đó là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Chương 2 của dự thảo luật quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Theo đó, quy định công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí.
Công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí, Và đặc biệt, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng.
Cấm thông tin trên báo chí nhiều nội dung
12 điểm nội dung cụ thể, chi tiết bị nghiêm cấm thông tin trên báo chí được luật ghi rõ. Trong đó nghiêm cấm kích động bạo lực; tuyên truyền, cổ súy lối sống dâm ô, đồi trụy và các hành vi vi phạm pháp luật; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn và hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nhà báo có quyền tiếp cận thông tin mà Nhà nước không cấm |
Thông tin sai sự thật; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án cũng bị luật khoanh vùng cấm.
Đăng, phát ảnh hình ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện hợp pháp của người đó, trừ những trường hợp sử dụng ảnh buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, những người phạm tội đã bị tuyên án, hoặc nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đăng, phát hình ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó cũng là những nội dung không được phép.
Luật cũng nghiêm cấm công bố thông tin, tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người có thông tin, tài liệu, người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp thông tin, tài liệu, bức thư đó.
Cấm thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân...
Cho phép liên kết hoạt động báo chí
Liên kết trong hoạt động báo chí là một điểm mới mà luật Báo chí hiện hành không quy định. Dự thảo luật mới quy định cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân.
Trong đó cho phép khai thác hoặc mua bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế của báo chí nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam.
Báo hình có thể liên kết sản xuất không vượt quá 30% |
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí hợp pháp của Việt Nam để xuất bản tại nước ngoài.
Luật cũng cho phép liên kết sản xuất các sản phẩm báo chí in, báo chí điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo.
Các chương trình thực hiện liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của nhà nước và kênh thời sự - chính trị - tổng hợp không vượt quá 30% tổng thời lượng chương trình phát sóng lần 1 của kênh này.
Riêng cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình thì tổng số kênh liên kết không vượt quá 30% tổng số kênh phát thanh, kênh truyền hình được cấp phép sản xuất.
Mở nguồn sống cho cơ quan báo chí
Nguồn lực kinh tế để nuôi sống tờ báo luôn làm đau đầu lãnh đạo các cơ quan báo chí. Theo giám sát của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, hiện nay, có một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được ngân sách nhà nước bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí, hoạt động.
Một số cơ quan báo chí của các cơ quan đảng và nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập; hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.
Có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.
Nhìn chung, số lượng các cơ quan báo chí hưởng bao cấp kinh phí hoạt động còn khá lớn, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Điều chỉnh thực tiễn này, luật cho phép cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Theo đó, cơ quan báo chí được hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định pháp luật.
Nguồn thu của cơ quan báo chí có thề từ nguồn từ cơ quan chủ quản báo chí cấp; thu từ bán báo, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Chức danh lãnh đạo báo chí
Đây là một điểm điều chỉnh khác luật hiện hành.
Khoản 1, 2 Điều 26 dự thảo luật báo chí là lãnh đạo cơ quan báo chí gồm người đứng đầu cơ quan báo chí, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc.
Cải chính, xin lỗi thông tin sai sự thật đàng hoàng
So với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo luật Báo chí lần này đã khắc phục tình trạng trên, bổ sung một số quy định mới về cải chính. Điều 40 của dự thảo luật Báo chí nêu rõ, đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.
Nghiêm cấm báo chí thông tin về thân nhân trong các vụ án |
Nội dung thông tin cải chính phải nêu rõ những thông tin nào sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính.
Lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính.
Về thời điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi, đối với báo chí điện tử: Phải thực hiện đăng, phát cải chính, xin lỗi ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; Đối với báo nói, báo hình, báo chí in: 02 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm.
Đặc biệt, đối với thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng, ngoài việc cải chính, xin lỗi theo quy định nêu trên, trong thời hạn 5 ngày, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm, cơ quan báo chí còn phải đăng, phát cải chính, xin lỗi trên 1 báo điện tử và 1 báo ngày do cơ quan báo chí lựa chọn, khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Xử lý sai phạm về bản quyền, sở hữu trí tuệ
Điều 57, điểm 5 của luật quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Báo chí phải hoạt động đúng quy định pháp luật |
Luật cũng quy định xử lý vi phạm báo chí như : Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo chí điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Người đứng đầu cơ quan chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc cơ quan báo chí, tổng biên tập, phó tổng biên tập, nhà báo, tác giả tác phẩm báo chí và các cá nhân khác có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo nếu bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can; bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai (02) lần liên tục trong hai (02) năm; vi phạm các quy định về đạo đức nghề báo, hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí...
Linh Thư