Những “gam màu sáng” trong “bức tranh toàn cảnh”
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, ước tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 hợp tác xã, doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã ước đạt 900 triệu đồng/năm, doanh thu bình quân của thành viên hợp tác xã đạt 75 triệu đồng/năm, lãi bình quân ước đạt 90 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Đặc biệt, có 80 hợp tác xã hoạt động hiệu quả tốt và khá, doanh thu trên 1,3 tỷ đồng/hợp tác xã.
Nhìn chung, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực đối với các thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất nhỏ với nhau.
Một số hợp tác xã đã phát huy hiệu quả hoạt động liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quyết Thắng - Hữu Lũng liên kết với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C thu mua sản phẩm Măng tre Bát Độ; Hợp tác xã nông sản huyện Chi Lăng liên kết với các hộ dân và tổ hợp tác sản xuất na tiêu thụ sản phẩm na trên địa bàn huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; Hợp tác xã Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Zoki Việt Nam - Bắc Ninh thu mua sản phẩm thỏ thương phẩm; Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Cai Kinh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây của các hộ dân, thành viên Hợp tác xã với các doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông - Bắc Giang, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn – Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Nông nghiệp vàng – Hưng Yên; Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Khoái – Lộc Bình liên kết Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn thu mua sản xuất gạo chất lượng cao JO2; Hợp tác xã Thành Lộc liên kết bao tiêu sản phẩm gà sáu ngón cho các hộ sản xuất trên địa bàn; Hợp tác xã Lụa Vy liên kết vùng nguyên liệu trà diếp cá gần 20 ha, tập trung ở xã Quan Sơn và một số hộ dân trồng rau diếp cá ở xung quanh thành phố Lạng Sơn...
Bên cạnh việc tổ chức đa dạng dịch vụ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... cho thành viên, các hợp tác xã còn trực tiếp giúp người lao động có việc làm, nhất là trong những thời điểm “nông nhàn”. Qua đó góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Một số hợp tác xã có nhiều đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới có thể kể tới: Hợp tác xã Thuỷ sản Lê Hồng Phong, Hợp tác xã Thống Nhất – Chi Lăng; Hợp tác xã Phượng Hoàng - huyện Chi Lăng; Hợp tác xã An Sơn – thành phố Lạng Sơn, Hợp tác xã Thiên Phú - huyện Đình Lập...
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những “gam màu sáng” kể trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các hợp tác xã tại địa phương.
Cụ thể, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về nguồn lực, khả năng cạnh tranh thấp, công tác quản trị, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Ban chỉ đạo kinh tế tập thể cấp huyện đã hướng dẫn các hợp tác xã tiếp cận và đăng ký các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, song còn nhiều vướng mắc trong công đoạn chế biến (do thiếu máy móc, thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng), khó khăn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã thấp. Hiện nay đa số cán bộ chủ chốt hợp tác xã nông nghiệp hiện có trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, ít được đào tạo. Tư duy phát triển sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường.
Đa số các hợp tác xã thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, lại rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, trong khi khả năng hiểu biết pháp luật của cán bộ và xã viên hợp tác xã còn hạn chế, không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thời gian tới, chính quyền tỉnh Lạng Sơn sẽ tích cực tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao năng lực nguồn nhân lực hợp tác xã. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã, xây dựng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Qua đó sẽ tạo thêm nhiều “gam màu sáng” trong “bức tranh toàn cảnh” hoạt động các hợp tác xã tại Lạng Sơn.