Hành trình của những tỷ phú trên thế giới luôn là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp. Mấy chục năm nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế tư nhân, tôi gần như thuộc lòng "lược sử" của các Tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Với tôi, biểu tượng bất tử đầu tiên là Steve Jobs! Ông thành lập Apple lúc 21 tuổi cùng với đồng sáng lập vào năm 1976. Họ sản xuất các máy tính cá nhân, chỉ mất 2 năm để trở thành triệu phú và thêm 2 năm nữa để có 250 triệu USD. Jobs thuyết phục John Sculley khi đó là giám đốc điều hành của Pepsi về cùng điều hành Apple với mình: “Ông có muốn dành cả đời mình bán thứ nước có đường đó hay muốn có cơ hội thay đổi thế giới?”.

Steve Jobs là biểu tượng bất tử trong giới kinh doanh công nghệ (ảnh: Getty)

Năm 1985, Hội đồng quản trị và Sculley sa thải Jobs do những khác biệt trong quan điểm điều hành. Tuy vậy, Jobs đạt được nhiều thành công trong việc điều hành một số doanh nghiệp sau đó (NeXT, Pixar) và trở lại Apple làm CEO năm 1997 khi Apple mua lại NeXT.

Năm 2007, Steve Jobs được tạp chí Fortune mệnh danh là người có quyền lực nhất trong giới kinh doanh. Sản phẩm thành công nhất của Apple là điện thoại iPhone, tính đến năm 2023 đã bán được trên 2,3 tỷ chiếc trên khắp thế giới, giúp cho doanh nghiệp tại nhiều thời điểm chỉ chiếm khoảng ¼ tổng số điện thoại di động được bán ra nhưng lại gặt hái được gần 90% tổng lợi nhuận của ngành này.

Steve Jobs đã ra đi 12 năm nhưng những giá trị ông mang lại cho Apple là vĩnh cửu!

Người thứ hai mà giới doanh nghiệp công nghệ số thường nghĩ đến, có lẽ là Elon Musk!

Elon Musk là một kỹ sư, nhà tài phiệt, nhà phát minh, doanh nhân công nghệ mang hai quốc tịch Nam Phi và Canada. Ông sáng lập, quản lý, làm kỹ sư trưởng của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nổi tiếng hoạt động trong các lĩnh vực mới như Tesla (ô tô điện), SpaceX (tàu vũ trụ), The Boring Company (đường hầm giao thông tốc độ cao), OpenAI (trí tuệ nhân tạo), Neuralink (công ty vừa được Cơ quan Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ cấp phép thử nghiệm cấy ghép chip vào não người đề nghiên cứu lâm sàng).

Elon Musk thuyết phục được rất nhiều người vào tầm nhìn và khả năng hiện thực hoá của mình, ông đã trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 4 năm 2022 khi tài sản ròng vượt mốc 273 tỷ USD. Người đàn ông giàu có này di chuyển liên tục trong tuần để làm việc ở nhiều công ty tại bang California và đặc biệt là không sở hữu một ngôi nhà nào của riêng mình.

Câu chuyện thứ ba tôi muốn kể đến là Jacob Arabo. Ông sinh ra tại Tashkent, Uzbekistan năm 1965, trong một gia đình có nghề truyền thống kim hoàn. Năm 17 tuổi, cùng với gia đình chuyển tới New York sinh sống, ông làm việc để phụ giúp gia đình trong suốt thời gian ban ngày ở xưởng chế tác kim hoàn và bắt đầu mày mò thiết kế những mẫu trang sức của riêng mình vào ban đêm ở nhà.

Được truyền cảm hứng bởi quà tặng của người cha – một chiếc đồng hồ hai múi giờ, năm 27 tuổi Jacob đã thiết kế, chế tạo chiếc đồng hồ 5 múi giờ và sau đó là một chiếc đồng hồ trữ cót 31 ngày đầu tiên trên thế giới. Nhãn hàng Jacob & Co ra đời năm 1986 ở Manhattan, New York, ngày hôm nay biểu tượng cho những chiếc đồng hồ dùng chất liệu đá quý với những thiết kế trẻ trung như của thế hệ Gen Z, giá cả thuộc top đắt nhất thế giới, được giới giải trí Mỹ yêu thích, coi là một biểu tượng trong đời sống văn hoá đương đại.

Câu chuyện thứ tư, các bạn có thể chiêm nghiệm đến là Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản. Tập đoàn này luôn tự hào với Triết lý Kinh doanh Sumitomo đã được xây dựng từ cách đây 400 năm, khởi nghiệp từ một cửa hàng bán thuốc và sách của nhà sư Masatomo Sumitomo, đến ngày hôm nay là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Nhật Bản, vẫn giữ nguyên giá trị trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Hai điểm cốt lõi trong triết lý này bao gồm việc xây dựng sức mạnh và thịnh vượng của doanh nghiệp cần đặt trọng tâm vào sự chính trực và quản trị lành mạnh trong các hoạt động kinh doanh, và quản trị cần gắn với tầm nhìn xa và sự linh hoạt để đảm bảo đương đầu trong những thời điểm nhiều biến động, không bao giờ chạy theo lợi nhuận dễ dàng hay hành động khinh suất.

Một trong những hình ảnh tập đoàn sử dụng để làm biểu tượng là một giếng nước không bao giờ đầy nhưng cũng không bao giờ cạn, hay nói khác đi những tư tưởng, suy nghĩ lớn không nhất thiết nghĩa là chỉ đề cập đến những điều vĩ đại, mà cần hướng đến giá trị bền bỉ, bất tận, trường tồn, để đóng góp thực chất cho sự phát triển của xã hội con người.

Còn với Việt Nam thì sao?

Nguyễn Thành Trung, người sáng lập Sky Mavis (ảnh: Lê Mỹ)

Tôi nghĩ đến Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1992)  và Sky Mavis. Doanh nghiệp này chỉ mất trên dưới hai năm để trở thành kỳ lân công nghệ (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo/Start-up được định giá trên 1 tỷ USD) thứ 3 của Việt Nam. Đây là khoảng thời gian ngắn ấn tượng không chỉ khi so sánh với các kỳ lân Việt trước đó (VNG mất khoảng 10 năm, VNLife mất khoảng 12 năm) mà cả với kinh nghiệm của thế giới.

Theo đánh giá của Embroker, xác suất để một doanh nghiệp trở thành unicorn là 0.00006% (có 6 unicorn trên 1 triệu doanh nghiệp) và quá trình này trung bình mất 7 năm. Người sáng lập của Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung được đánh giá là 1 trong 10 người có ảnh hưởng nhất thế giới tiền mã hoá (cryptocurrency) năm 2021.

*****

Có lẽ còn nhiều và rất nhiều các câu chuyện nhỏ như thế này mà chúng ta đã được đọc, được thấy, được nghe trong nhiều năm qua. Chúng ta cũng đã thấy rất nhiều ví dụ thành công ở nước ngoài với khởi điểm từ những cá nhân kiệt xuất, nhưng ở đâu đó trong lịch sử, cả quá khứ và hiện tại, Việt Nam cũng có rất nhiều câu chuyện thành công về tài năng quản lý, chuyên môn ở quy mô khu vực hay thế giới. 

Khi tổng kết tình hình phát triển kinh tế tư nhân trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Việt đã đạt được những tiến bộ vượt bậc.

Sau hơn ba thập kỷ đổi mới kinh tế, Việt Nam đã có hãng hàng không tư nhân vận hành 450 chuyến bay một ngày bao gồm 160 chuyến bay quốc tế; có nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại 10 thị trường quốc tế trong đó giữ vị trí số 1 tại nhiều thị trường; có nhà phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn được trao giải thưởng đẹp nhất thế giới, đẹp nhất châu Á, lãng mạn nhất thế giới; có chủ sở hữu cáp treo đạt kỷ lục Guiness; có doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư sân bay đạt giải thưởng thiết kế của thế giới....

Có rất nhiều doanh nghiệp trong số này cũng chỉ bắt đầu (và đã cảm thấy bằng lòng) với việc triển khai thực hiện 1-2 dự án, trước khi họ suy nghĩ về việc tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và đạt được những thành công lớn như trong thời gian qua.
 
Có thể nói rằng, ngay cả ở nước ngoài, các tên tuổi doanh nghiệp lớn ngày hôm nay phần lớn đều bắt đầu là không-ai-cả. Nhưng họ không ngừng nỗ lực vươn lên nhờ vào suy nghĩ lớn (think big) và sự quyết tâm, kiên trì khẳng định vị trí của mình trước khi hội tụ thêm nguồn lực để mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) của Nhật rất tự hào khi là các “unique SME” (cung cấp các sản phẩm chất lượng cao chỉ mình họ cung cấp), một số DNN&V của Mỹ có văn hoá kinh doanh độc đáo và chú trọng phát triển bền vững đã tập hợp thành cộng đồng “Small Giants” (những người khổng lồ bé nhỏ), nhiều tập đoàn công nghệ lớn (Apple, Facebook, Google…) hàng năm mua lại nhiều start-up/DNN&V để tăng cường tính đổi mới sáng tạo, áp dụng nhanh công nghệ mới, và quan trọng nhất là có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để hiện thực hoá những khát vọng của các doanh nghiệp này.

Trong bối cảnh ngày hôm nay, với những công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và tiềm năng của nền kinh tế số, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để phát triển nhanh, mạnh mẽ.

Nguyễn Bá Luân, COO của công ty Stringee. Quý I/2023, đây là start up đã tăng trưởng 200% so với 2021 (ảnh: Hoàng Hà)

Từ những câu chuyện trên, tôi suy nghĩ rất nhiều về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm những doanh nghiệp lớn có vốn hoá nhiều chục tỉ USD, cả những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tất cả đều đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Đây là lúc các cơ quan chính phủ đang nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tìm cách để các nguồn lực tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn đối với doanh nghiệp, làm sao để hỗ trợ được doanh nghiệp tốt hơn về khoa học công nghệ, để mở rộng thị trường, về các dịch vụ phát triển kinh doanh, thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn, thông tin trên nền tảng tăng cường chuyển đổi số.

Đây cũng chính là lúc các doanh nghiệp nên suy nghĩ lại, khởi động lại, cơ cấu lại doanh nghiệp của mình, kiên định tiến từng bước nhỏ mỗi ngày, nghĩ lớn để đạt được thành công lớn. 

Các câu chuyện ở nước ngoài và ở Việt Nam tất nhiên không giống nhau, nhưng đều có điểm chung là đều bắt đầu từ từng cá nhân, phát huy tối đa năng lực bản thân, vượt lên trên sự khó khăn của hoàn cảnh, khát khao đam mê, khẳng định niềm tin thành công, và kiên trì giữ nguyên tắc và nỗ lực phát triển, gìn giữ sự nghiệp một cách thật sự bền vững.

Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều mong các doanh nghiệp Việt Nam, dù dù lớn hay nhỏ, đều sẽ kiên định và nghĩ lớn cho một thành công xứng đáng ở phía trước!

Nguyễn Hoa Cương (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)