Sự nổi loạn của giới trẻ hiện tại là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với người lớn. Những cậu bé, cô bé làm những hành động “điên rồ” kia rất có thể rồi sẽ là chính là con, cháu mình.

LTS: “Like là làm”, những hành động như “nhảy cầu tự tử”, “mang xăng đến đốt trường”… có đơn thuần chỉ là cơn bồng bột tuổi trẻ hay hệ lụy của thế giới ảo? Tác giả Nguyễn Quốc Vương tiếp tục những lý giải trong Phần 2.

>> Xem lại Phần 1: ‘Like là làm’, ‘mang xăng đốt trường’: Sự điên rồ đến từ đâu? 

Sự nổi loạn của tuổi trẻ - hiện tượng có tính lịch sử

Nhìn vào lịch sử và nhìn rộng ra khỏi không gian Việt Nam, chúng ta sẽ thấy hiện tượng “nổi loạn” của giới trẻ không phải cá biệt. Nó cũng không đơn giản là sự phản ứng bồng bột của những cá nhân “hư hỏng” thuần túy hay hệ lụy của Internet và mạng xã hội. Bởi nó từng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ngay cả khi chưa có hay chưa phổ cập điện thoại di động và mạng Internet. 

Có thể nói, sự “nổi loạn” ấy của giới trẻ là một sự phản ứng tiêu cực đối với thế giới thực mà họ đang sống. Đấy cũng là sự phản kháng trong vô vọng và buồn bã đối với “trật tự” thế giới do người lớn thiết lập và đang đè nặng lên tuổi trẻ một cách vô hình và hữu hình, cho dù họ ý thức được điều đó hay không.  

Nếu nói nguyên nhân là thế giới ảo, chúng ta giải thích thế nào về sự nổi loạn của giới trẻ nước Nhật những năm 70-80 thế kỉ trước, phần nào đó được phản ánh trong tác phẩm nổi tiếng Rừng Na Uy của Murakami Haruki? Thanh niên Nhật tại sao lại sống buồn bã, hoang mang và trống rỗng trong khi cuộc sống vật chất rất đủ đầy và được học tại những trường danh giá nhất? Tại sao họ lại phải tìm kiếm niềm vui trong sex, rượu và rồi cuối cùng khi những thứ ấy cũng không làm họ vui được nữa, họ tìm đến cái chết bằng đủ cách?  

Tương tự, người lớn chúng ta sẽ giải thích thế nào cho cái không khí hừng hực đến cuồng loạn của giới trẻ Nhật Bản khi đón ban nhạc The Beatles của Anh đến biểu diễn tại nước này năm 1966? Tại sao chỉ là xem ca nhạc thuần túy mà nước Nhật phải dùng đến 3.000 cảnh sát giữ trật tự, trong khi ở nơi biểu diễn chỉ có 1 vạn khán giả có vé vào xem?  

Chúng ta cũng sẽ giải thích thế nào cho sự nảy sinh và phát triển của trào lưu Hippie ở nước Mĩ những năm 60 của thế kỉ trước?

Mạng internet, những cú “like”, “share” đâu đã ra đời để trở thành thủ phạm gây nên cái chết của rất nhiều thanh niên khác trong thời đại ấy, khi họ tự kết thúc đời mình cho dù không hề gặp khó khăn trong công việc, kinh tế hay mắc bệnh hiểm nghèo?  

Chúng ta cũng sẽ giải thích thế nào việc có những thanh niên xuất thân từ tầng lớp thượng lưu và được hưởng thụ nền giáo dục ưu tú tham gia IS?

Tất cả những hiện tượng ấy phải được nghiên cứu, phân tích trong mối liên hệ với đời sống thực.  

{keywords}

Ảnh minh họa: Rxeconsult/ ZingNews

Thế giới “ảo” chính là tấm gương phản chiếu thế giới thực và rất có thể trong nhiều trường hợp, nó là nơi phản ánh đầy đủ, chân thực, đa diện, đa chiều hơn những gì bị che lấp hay kìm nén trong thế giới thực. Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi những tư tưởng, suy nghĩ, hành vi trong thế giới ảo cuối cùng lại dẫn đến kết quả hành động trong thế giới thực, cho dù đó là những hành động “điên rồ”.  

Giới trẻ ở Nhật Bản những năm 70-80 đã sống trong một giai đoạn đầy bất thường và giông bão, khi nước Nhật giàu có rung chuyển dữ dội giữa “Đông và Tây”, cho dù không bị lôi cuốn trực tiếp vào cuộc chiến tranh. Những giá trị phổ quát mà giới trẻ Nhật đã thấm nhuần nhờ nền giáo dục dân chủ thời hậu chiến đã bị hiện thực phũ phàng phủ nhận. Đó là thời đại mà nhà nghiên cứu Kato Shuichi mô tả là “chính nghĩa xã hội bị tổn thương”.  

Giới trẻ là giới nhạy cảm nhất với chính nghĩa và vì thế họ đã phân rã thành những người trụy lạc để trốn chạy hiện thực và những người hành động để cải tạo hiện thực. Cũng có những người giống như nhân vật “Tôi” trong truyện của Murakami Haruki, sống vật vờ và đau khổ trong hành trình kiếm tìm chân lý vì họ chẳng tin ai cả.  

Lời cảnh báo?

Con người có tính xã hội. Nếu không tìm thấy lẽ sống và cảm nhận nó bằng những niềm vui nho nhỏ thường ngày thông qua các “khoái cảm” có được từ cảm giác “ưu việt” (khi làm được điều gì đó người khác không làm được”, “đạt được” (khi hoàn thành mục tiêu), “tồn tại” (khi khẳng định được bản thân và được người khác công nhận) thì các cá nhân sẽ không thể nào sống nổi.

Tuổi trẻ vốn có thể chất mạnh mẽ và tâm hồn nhạy cảm, bởi thế khi rơi vào bi kịch như trên, hơn ai hết họ sẽ cảm thấy bị tổn thương và mất mát sâu sắc. Trong phần lớn các trường hợp người trẻ tuổi tự làm hại bản thân, nếu phân tích kĩ sẽ thấy họ tự kết thúc cuộc đời phần nhiều vì cảm thấy không còn lý do để sống.

Sự nổi loạn của giới trẻ hiện tại là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với người lớn.

Người lớn đừng bao giờ nghĩ rằng những hành động ấy đơn giản chỉ là sự bồng bột và hư hỏng. Nếu như người lớn không biết nhìn lại mình và sửa đổi thế giới thực, sẽ không có một tương lai tốt đẹp nào dành cho tất cả chúng ta. Những cậu bé, cô bé đã và đang làm những hành động “điên rồ” kia rất có thể rồi sẽ là chính là con mình, cháu mình.

Nguyễn Quốc Vương