Ảnh minh họa: chinhphu.gov.vn

Theo thống kê, năm 2018, toàn thành phố có 689 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó, có 519 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4. Đây là kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính của TP Hà Nội trong năm 2018.

Thông tin từ cổng Chính phủ, năm 2018, thành phố Hà Nội triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến hiện đại hóa hành chính và đạt được những kết quả. Tỷ lệ TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 được nâng cao, từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Cũng từ 26/10, Hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp đã vận hành sau một thời gian thử nghiệm. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng ra công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương của thành phố phải thực hiện tập trung tại Hệ thông một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp trừ việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành triển khai) từ 17/11. Dự kiến trong năm nay hệ thống này sẽ được triển khai đồng bộ tới 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, duy trì kết nối hạ tầng kỹ thuật phục vụ họp giao ban trực tuyến mở rộng đến cấp xã; duy trì, vận hành hệ thống mạng thông tin điện tử giữa Thành ủy - HĐND - UBND thành phố; duy trì, triển khai gửi, nhận 100% văn bản, tài liệu điện tử trong giao dịch hành chính điện tử.

Nhiều đề án trong kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố năm 2018 cũng đang được Sở TT&TT bắt tay với các doanh nghiệp bắt đầu triển khai xây dựng đề án Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội”. Sở TT&TT cũng phối hợp Cục Thuế  TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan dự thảo văn bản trình UBND Thành phố triển khai thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí, tiến tới triển khai diện rộng biên lai điện tử tại các cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công trên địa bàn Hà Nội.

Để khuyến khích, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong mua bán trao đổi thương mại điện tử, thành phố sẽ thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động”. Theo đó, không người bán, mà sử dụng mô hình 020 Online 2 Offline, sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó, thành phố tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn.

Một điểm đáng chú ý nữa trong hiện đại hóa hành chính, đó là thành phố đã chỉ đạo khá quyết liệt việc kết hợp chặt chẽ việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo hợp tiêu chuẩn quốc gia.

Đến nay, 100% các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã đã thực hiện tự công bố hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001: 2008 và thực hiện đầy đủ việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng thông qua đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo. 73% xã, phường, thị trấn thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008; 18 quận, huyện có 100% đơn vị cấp xã thực hiện công bố; 67% đơn vị trực thuộc các sở, ngành (đơn vị cấp 2) thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008.