Tình trạng chợ tiền tỷ mọc lên rồi bỏ hoang ở các địa phương đã không còn xa lạ. Đồng thời với tình trạng xuống cấp ở các khu chợ là sự lãng phí không nhỏ về ngân sách của các địa phương.

Chợ Nghĩa Hiệp (Hưng Yên) đầu tư 20 tỷ rồi bỏ hoang

Chợ Nghĩa Hiệp (xã Nghĩa Hiệp - Yên Mỹ - Hưng Yên) được đầu tư với tổng chi phí lên đến 20 tỷ đồng nhưng sau 5 năm hoàn thành chợ vẫn bỏ hoang. Chợ được xây dựng bằng nguồn vốn cân đối ngân sách của xã do chính UBND xã này làm chủ đầu tư. Hiện nay, công trình đang xuống cấp dần, cỏ dại mọc đầy.

{keywords}

Chợ Nghĩa Hiệp (Hưng Yên) trở thành nơi chứa củi

Nguyên nhân chợ bỏ hoang được người dân xung quanh cho biết vì vị trí không thuận lợi, không tiện đường của người dân. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng không hoàn thiện, thiếu hệ thống điện, nước, khu vệ sinh.

Người dân Nghĩa Hiệp cho hay, dân rất mong muốn có được khu chợ khang trang để vào buôn bán nhưng khu chợ Nghĩa Hiệp không hợp lý và thiếu thốn quá nhiều thứ nên vào được vài hôm tiểu thương phải chuyển ra chợ truyền thống.

Chợ hàng chục tỷ đắp chiếu tại Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa cũng có không ít khu chợ có số vốn đầu tư hàng chục tỷ để rồi …đắp chiếu. Ví dụ như Chợ Già tại xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa), được xây dựng đúng các tiêu chí về diện tích sân vườn, cây xanh, nhà kho, khu để xe, nhà vệ sinh, nơi thu gom xử lý rác thải... Tuy nhiên, được khánh thành đã gần 3 năm nay với tổng số vốn đầu tư 14 tỷ đồng rồi bỏ hoang.

{keywords}

Chợ Quảng Thạch đắp chiếu

Hay vào năm 2011, Chợ Voi trên địa bàn xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khánh thành với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng, diện tích gần 10.000m2 nhưng đến nay tình trạng họp chợ thất thường, gần như bỏ hoang.

Hai khu chợ này chỉ là những ví dụ rất nhỏ trong hàng chục ngôi chợ bị bỏ hoang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Không như nhiều khu chợ hoang khác, những khu chợ này có vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, đủ điều kiện.

Nguyên nhân bỏ hoang được xác định do tiểu thương chưa đồng ý về mức giá thuê, một số chợ không có trong quy hoạch, không thể thu hút được tiểu thương.

Đầu tư 12,5 tỷ đồng xây chợ Hoa Lư rồi bỏ hoang

Trên địa bàn Thành phố Pleiku, chợ Hoa Lư được đầu tư xây dựng với kinh phí 12,5 tỉ đồng, khuôn viên rộng gần 6.000 m2, cách chợ cũ hơn 100m. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi khánh thành, chợ vẫn bỏ hoang.

Nguyên nhân được xác định do việc giải quyết chưa thỏa đáng đối với 38 hộ có hợp đồng thuê ki ốt thời hạn 30 năm, hiện vẫn còn thời hạn 8 năm ở chợ Hoa Lư cũ, dẫn đến chậm trễ việc chuyển chợ.

Theo nhiều tiểu thương, sở dĩ họ chưa mặn mà với chợ mới vì chợ mới không xây dựng sát đường Nguyễn Bá Lân mà xây vào phía trong, không thuận lợi cho việc buôn bán. Ngoài ra, khoảng đất còn lại xung quanh con đường này lại được chính quyền bố trí cho tái định cư.

150 tỷ đồng đổi lấy chợ hoang

Huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã chi hơn 150 tỷ đồng xây chợ trong vòng 4 năm (2006 - 2010). Theo thống kê, toàn huyện có 30 xã, thị trấn nhưng lại cơ cấu hơn 30 chợ, có xã xây 2 đến 3 chợ. Phần lớn các chợ trên địa bàn bỏ hoang, hoặc có chợ họp rất ít ỏi.

Chợ Hương Khê 30 tỷ đồng

Một đại diện của Hà Tĩnh là chợ Tùng Ảnh (xã Tùng Ảnh của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Chợ Tùng Ảnh được chính quyền sở tại đầu tư gần 30 tỷ đồng, xây dựng hoành tráng trên khuôn viên rộng rãi. Thế nhưng, gần 4 năm nay chỉ có 78 tiểu thương hoạt động nhì nhằng.

{keywords}

Chợ Hương Khê xuống cấp

Ngoài ra, ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), chợ Hương Khê được xây dựng xuất phát từ dự án xây sân bóng đá không thành, và cũng như số phận của nhiều khu chợ ngẫu hứng khác, chợ Hương Khê bỏ hoang từ khi xây dựng cho đến nay, người dân lấy đây làm nơi thả trâu, bò và đang dần xuống cấp.

Chợ bỏ hoang tại Nghệ An

Cùng chung số phận là khu thương mại chợ Rộ, xã Võ Liệt, Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng với nguồn vốn lên tới 21,9 tỷ đồng.

Tuy được khai trương từ tháng 5.2010, nhưng chợ xây dựng xong rồi bỏ hoang. Hiện, hàng trăm tiểu thương vẫn kiên quyết bám trụ lại chợ Rộ cũ (cách đó 1km). Mặc dù đã được chính quyền địa phương khuyến khích, động viên người dân đến khu thương mại chợ mới nhưng không một ai thuê ki ốt để kinh doanh.

{keywords}

Chợ bỏ hoang tại Nghệ An

Tương tự, chợ Phong Toàn ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, khi xây xong đi vào hoạt động được hơn 3 năm, đến nay dù được miễn thuế 100% nhưng không có người kinh doanh.

Tổng vốn đầu tư xây dựng là 18 tỷ đồng, song nhiều hạng mục đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Nguyên nhân chính khiến chợ vắng khách là do bên cạnh chợ này đã có hai chợ lớn được xây dựng rất quy mô.

Có thể thấy, chợ hoang mọc lên ngày càng nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do vị trí không thuận lợi, tiểu thương và chủ đầu tư không thống nhất được mức giá thuê, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ... Thậm chí, nhiều chợ hoang được xây ngoài quy hoạch, xây sát ngay chợ truyền thống. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, nguồn ngân sách lãng phí là không hề nhỏ.

(Theo Một thế giới)