Hành khách đi máy bay không "nói đùa" hành lý có các loại vũ khí: Súng, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, đạn, ngòi nổ, kíp nổ, dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung tên, nỏ…
Sau vụ việc hành khách "nói đùa" có súng trong hành lý trên máy bay tại sân bay Đà Nẵng, sáng 9/11, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, hành khách tuyệt đối không được nói đùa khi nhắc tới những vật dụng nguy hiểm khi đi máy bay.
Cụ thể, hành khách không nói đùa hành lý có các loại vũ khí như: Súng, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, đạn, ngòi nổ, kíp nổ, dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung tên, nỏ…
Hành khách không tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay.
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, việc nói đùa đưa chất nổ, vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, chất cháy lên tàu bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ đối mặt với những hình phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng lên tới hàng chục triệu đồng.
Trên đây là những lời nói, hành vi tối kỵ với hành khách khi bay, bởi đôi khi chỉ vì câu nói đùa làm ảnh hưởng không chỉ đối với bản thân người nói mà còn gây phiền toái cho hàng trăm người khác.
Vì thế, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khuyến cáo hành khách đi máy bay cần tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành. Hành khách cần đọc kỹ các quy định vật phẩm cấm/hạn chế mang lên tàu bay, tuyệt đối không được tung tin sai lệch về súng, đạn, bom, mìn… khi đi máy bay.
Có thể bị truy cứu hình sự
Năm 2011, một vụ việc "nói đùa" trên máy bay từng xảy ra. Ngày 9/7/2011, hành khách Hồ Thị Thanh T. (ở Lâm Đồng) đi chuyến bay từ Hà Nội - Đà Lạt.
Khi lên máy bay, hành khách để túi xách dưới chân ghế nên được tiếp viên nhắc nhở cất túi lên khu vực đựng đồ trên nóc máy bay. Lúc đó, chị T. nói với tiếp viên rằng “cẩn thận nó nổ”.
Thông tin lập tức được được báo đến cơ quan chức năng, chuyến bay tạm hoãn để rà soát lại hành lý nhưng không phát hiện dấu hiệu có bom.
Làm việc với cơ quan chức năng, chị T. trình bày rằng mình chỉ nói đùa, không có ý đe dọa. Thế nhưng việc tạm hoãn chuyến bay đã khiến hãng hàng không thiệt hại khoảng 140 triệu đồng.
Trước đó, vào năm 2006, một vụ việc tương tự đã gây nhiều ý kiến trái chiều khi hãng hàng không yêu cầu nam hành khách bồi thường hàng trăm triệu vì câu nói có bom trong vali xách tay.
Sự việc xảy ra ngày 18/8/2006, trên chuyến bay từ sân bay Nội Bài tới Cam Ranh, Khánh Hòa. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, hành khách đã ổn định chỗ ngồi, nam hành khách cất vali lên khoang để đồ. Người ngồi bên cạnh hỏi sao vali to thế không ký gửi mà mang theo người, nam hành khách nói trong vali có bom, “gửi thì mất".
Thông tin trên được cấp báo tới tiếp viên. Ngay lập tức cơ trưởng chuyến bay quyết định không cất cánh, gần 150 hành khách phải di chuyển ra ngoài.
Các lực lượng chức năng tiến hành rà soát lại toàn bộ máy bay. Sau hơn 3 giờ, chuyến bay này mới khởi hành khi cơ quan an ninh kết luận máy bay an toàn.
Vụ việc khiến hãng hàng không tốn hơn 100 triệu đồng cho việc tổ chức lại chuyến bay. Vụ việc sau đó được Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố, điều tra.
Cũng trong năm 2006, trên các chuyến bay nội địa ghi nhận thêm 2 vụ hành khách nói đùa có bom hoặc lựu đạn trước khi máy bay cất cánh.
Theo Nghị định 162/2018, người tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học trên chuyến bay có thể bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy mức độ nguy hiểm và thiệt hại do hành vi gây ra, hành khách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường không.
Tại Hội nghị An toàn và khai thác hàng không thế giới 2023 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 vừa qua, các chuyên gia hàng không đánh giá, tại Việt Nam, an toàn bay là ưu tiên cao nhất, đào tạo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không nội địa. Đây cũng là nền tảng cốt lõi trong mọi hoạt động của các hãng hàng không.
Theo đó, khi khai thác bay, các chuyến bay của các hãng hàng không sẽ phải tuân thủ một loạt quy định nghiêm ngặt về an toàn bay của hãng, cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT).