Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 10/2020 có 90 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, với số tiền hơn 9.504 tỷ đồng. Con số này giảm 1.000 tỷ đồng so với tháng 9/2020 và chỉ bằng gần 1/6 so với tháng 8/2020.

Diễn biến này không có nhiều bất ngờ, khi các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ bị xiết chặt bởi Nghị định 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu sẽ phải chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng. Như vậy, trái phiếu doanh nghiệp đã bị "hãm phanh" sau quy định mới.

Đủ kiểu bán trái phiếu

Tuy nhiên, lời chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn liên tiếp “dội bom” nhà đầu tư cá nhân. Đánh vào tâm lý lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ hấp dẫn hơn.

{keywords}
 

Chị Trần Mai Thu, ở Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) kể, cách đây mấy năm, chị có vay một ngân hàng TMCP số tiền 2 tỷ đồng mua căn hộ chung cư. Chị đã thanh toán được một nửa tiền, số còn lại sẽ thanh toán nốt vào quý I/2021. Tuy nhiên, gần đây nhân viên ngân hàng này liên tục gọi chị, tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo tư vấn của nhân viên, chị nên dùng số tiền 1 tỷ đồng tích cóp chờ trả nợ mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản, do ngân hàng này bán lại, với lãi suất 10%/năm kỳ hạn 2 năm. Sau đó, đến thời điểm phải trả nốt tiền vay mua nhà, ngân hàng này sẽ cho chị vay tiền, để thanh toán với lãi suất thấp hơn lãi suất trái phiếu doanh nghiệp kia. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của chị chính là số trái phiếu chị đã mua. Như vậy, chị sẽ được hưởng khoản chênh lệch giữa lãi suất cao của trái phiếu doanh nghiệp và lãi cho vay thấp của ngân hàng. Hơn nữa, thời gian tới thị trường thứ cấp phát triển, nếu giá trị trái phiếu tăng, bán đi chị còn có thể thu lợi lớn, thay vì dùng 1 tỷ đồng trả hết nợ vay mua nhà là xong.

Nếu trước kia, các nhân viên ngân hàng thường “dụ” những khách hàng gửi tiền tiết kiệm, rút ra để mua trái phiếu doanh nghiệp do họ bán lại, thì nay tìm tới cả những người đang vay nợ.

{keywords}
 

Chia sẻ rủi ro?

Thời gian qua, do tín dụng tăng trưởng ì ạch nên thanh khoản của các ngân hàng dư thừa lớn, vì vậy thi nhau “đổ” vào trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo tài chính quý 3/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, các nhà băng đang “ôm” một lượng khá lớn trái phiếu doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nắm giữ tới 54.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với đầu năm. Hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), nắm giữ hơn 26.100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 14.100 tỷ đồng so với đầu năm... Tận dụng thời điểm lãi suất tiết kiệm hạ thấp, ngân hàng đang “dụ” khách mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Nhân viên một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho hay trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn bán rất tốt. Từ tháng 9/2020 đến nay, ngân hàng “chúng em” bán tới hàng trăm tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu cho các nhà đầu tư cá nhân. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng từ 9-11%/năm nên hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm chỉ 6-7%/năm.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Đắc Hưng, khi “dụ” được khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp theo cách này, ngân hàng lợi đủ đường. Họ vừa thu hồi được vốn, vừa tăng dư nợ cho vay, lại vừa chia sẻ được rủi ro.

Với nhà đầu tư cá nhân, trong hoàn cảnh này cần cân nhắc bởi lợi ích được hưởng không nhiều. Thứ nhất, phải xem xét việc dùng trái phiếu doanh nghiệp có giá trị 1 tỷ đồng có thể được thế chấp để vay khoản tiền 1 tỷ đồng hay không. Cao nhất, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 70% giá trị tài sản thế chấp. Nếu vậy, thế chấp lô trái phiếu giá trị 1 tỷ đồng chỉ được vay 700 triệu đồng, số còn lại phải vay thêm mới đủ để trả nợ cho ngân hàng. Với khoản vay thêm, cũng phải có tài sản đảm bảo và cũng phải trả lãi. Vậy, tính ra chênh lệch lãi suất chưa hẳn đã hấp dẫn.

{keywords}
 

Hơn nữa, lãi suất vay ưu đãi thấp được ngân hàng “chốt” cố định trong suốt thời gian vay hay chỉ mấy tháng đầu, sau đó lại thả nổi? Nếu lãi suất vay chỉ ưu đãi khoảng 6 tháng đầu, sau thả nổi cộng với biên độ khoảng 3% thì coi như chẳng được lợi gì.

Cứ cho là nhà đầu tư được vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm, kéo dài suốt 2 năm và được hưởng lãi suất trái phiếu 10%/năm thì chênh lệch là 3%/năm. Với số tiền 1 tỷ đồng, sẽ được hưởng lãi mỗi năm 30 triệu đồng, 2 năm khoảng 60 triệu đồng, như vậy có nên đầu tư?

Chờ đợi trái phiếu doanh nghiệp mình đầu tư tăng giá để bán ra thu lợi cũng chỉ là kỳ vọng, bởi thị trường thứ cấp đến nay vẫn chưa phát triển. Chưa kể, nhiều trái phiếu ngân hàng mua của doanh nghiệp bất động sản là để giúp những doanh nghiệp này đảo nợ, vẫn tiềm ẩn rủi ro. Khi doanh nghiệp không thanh toán được lãi đúng kỳ hạn và trả nợ gốc thì không chỉ ngân hàng mất mà nhà đầu tư cũng bị thiệt hại.

Giám đốc Chi nhánh của một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cũng thừa nhận, chia nhỏ trái phiếu doanh nghiệp thành nhiều sản phẩm "con" bán cho nhà đầu tư cá nhân trên thực tế là giúp các ngân hàng chia sẻ rủi ro của khoản đầu tư này, thay vì “ôm” trọn.

Trần Thủy