Theo thông tin từ Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho một số trẻ bị chấn thương tinh hoàn do tai nạn, chơi thể thao hoặc ngã xe đạp,…trong đó, có trường hợp chấn thương nặng phải cắt bỏ tinh hoàn.

Không ít trường hợp bé trai gặp chấn thương tinh hoàn sau khi va chạm với bạn trong khi chơi bóng đá. Đơn cử, có trường hợp đang chơi đá bóng cùng bạn thì bất ngờ bị đá trúng vào vùng kín. Trẻ vào viện trong tình trạng tinh hoàn trái sưng nề, bầm tím, tụ máu vùng bìu trái.

Hình ảnh siêu âm cho thấy tinh hoàn trái không tưới máu, có máu tụ xung quanh, không có tín hiệu mạch, vì vậy, ngay lập tức các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho trẻ.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Xuân Hoàn, khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, chơi thể thao sẽ giúp trẻ thấu hiểu, học hỏi được nhiều kỹ năng và có thái độ sống tích cực cần thiết cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, bất kỳ môn thể thao nào cũng có thể dẫn đến chấn thương. Đặc biệt là khi trẻ tham gia các môn thể thao đối kháng, bóng đá,…

W-the-thao.png
Chơi thể thao giúp trẻ thấu hiểu, học hỏi nhiều kỹ năng, có thái độ sống tích cực cần thiết cho sự phát triển nhân cách của trẻ. 

Bong gân cũng là chấn thương thường gặp ở nhiều người trong đó có trẻ em, đặc biệt khi chơi thể thao. Nhận biết dấu hiệu bong gân ở trẻ em sớm giúp cha mẹ xử lý đúng cách, giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Để nhận biết dấu hiệu bong gân ở trẻ em, bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) lưu ý, sau chấn thương, cha mẹ cần kiểm tra vị trí thương tổn ở trẻ như phù nề, khó khăn khi vận động, tại vị trí này có thể xuất hiện tụ máu dưới da, nóng đỏ. Bên cạnh đó, bong gân thường dễ bị nhầm lẫn với nhiều vấn đề xương khớp như bong sụn tiếp hay gãy xương. Để không bị nhầm lẫn, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Không ít trẻ bị chấn thương đầu khi chơi thể thao. Bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho hay ngăn ngừa chấn thương đầu ở trẻ em là điều cần thiết để giúp con an toàn và khỏe mạnh.

Để làm được điều này, cha mẹ nên thực hiện các bước như: Đảm bảo trẻ luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động có thể gây va chạm, như đi xe đạp, trượt ván hoặc chơi các môn thể thao va chạm. Người lớn phải luôn giám sát trẻ khi các bé tham gia vào các hoạt động này và trẻ cần hiểu những rủi ro liên quan khi hoạt động.

Ngoài ra, cha mẹ nên đảm bảo rằng bất kỳ đồ chơi nào mà con cái họ đang chơi đều phù hợp với lứa tuổi và không có các bộ phận có thể gây thương tích; Lắp đặt cổng hoặc khóa an toàn trên cửa sổ hoặc ban công; Loại bỏ các mối nguy hiểm tiềm tàng trong nhà, chẳng hạn như đồ đạc cao hoặc bề mặt không an toàn.

Những lưu ý để bảo vệ trẻ khỏi chấn thương khi chơi thể thao

- Trước khi cho trẻ tham gia chơi bất kỳ môn thể thao nào, trẻ nên được biết các quy tắc chung của trò chơi và cách giữ an toàn cho mình cũng như người chơi.

- Trẻ cần phải được trang bị dụng cụ thể thao có kích thước phù hợp, vừa vặn, đảm bảo an toàn.

- Cha mẹ nên kiểm tra vị trí trẻ chơi để đảm bảo rằng các sân chơi không có nhiều lỗ và rãnh có thể khiến trẻ bị vấp ngã.

- Khi tham gia các môn thể thao đồng đội, trẻ phải được giám sát bởi những người đủ tiêu chuẩn chuyên môn,…

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu trẻ không may gặp phải tai nạn chấn thương ở vùng kín, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để trẻ được thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương và điều trị kịp thời.

Minh Thu và nhóm PV, BTV