Chứng kiến cảnh hàng trăm khách hàng "đồng loạt tấn công" gây vỡ trận siêu thị Auchan ở Hà Nội nhân ngày họ giảm giá để thanh lý khỏi thị trường Việt Nam, người quản lý chua chát nói: “Tôi và mọi người không biết nói gì ngoài hai từ xấu hổ"... 

Cùng thời gian, những việc xảy ra được dư luận bàn tán nhiều cũng liên quan về văn hóa ứng xử: một người đẹp giới showbiz Việt xuất hiện tại LHP Cannes trong bộ cánh của Eva, theo nghĩa đen. Đành rằng thế giới thời hội nhập, quyền tự do cá nhân là bất khả xâm... nhưng có ai bất chấp văn hóa, bỏ qua tiêu chuẩn văn minh căn bản như cô?

Dù cô ấy đến Pháp dưới danh nghĩa cá nhân cũng không tránh bị hiệu ứng "một miếng giữa làng". Cô ta là ai? Cô ấy đến từ đâu?... Hai chữ Việt Nam hiện ra trong ngữ cảnh như thế. Một người quen của tôi làm cho công ty Pháp kể, ngày hôm sau một tờ báo bên ấy đăng công khai những lời bình luận như: "lố bịch", "làm mất giá trị cuộc thi", "ai cho phép",... Nghe cay đắng sao hai chữ “phẩm giá”!

Đang đi gặp trời mưa, tôi ghé vào quán cà phê gần một cổng trường cấp 2-3 nổi tiếng ở quận 1 thì gặp cảnh 3 ông phụ huynh chụm đầu khoe con đạt giải học sinh giỏi. Họ nói chuyện ầm ầm, hua chân múa tay bất chấp người xung quanh thể hiện thái độ khó chịu ra mặt. Có người chịu không nổi đã đứng dậy đi xuống tầng dưới hoặc bỏ về dẫu trời bên ngoài mưa đang to... 

{keywords}
Cảnh tan hoang tại siêu thị Auchan đợt thanh lý giảm giá vừa qua

Bạn tôi nhà có con đạt giải thủ khoa học sinh giỏi thành phố, một đứa nữa đạt giải học sinh giỏi quốc gia nói, thi cử ở ta đạt giải nhất chưa hẳn là em giỏi nhất, tôi đồng ý. Những phụ huynh kia có con đạt giải trời gì chăng nữa mà ứng xử nơi đông người như thế, họ sẽ dạy con dựa trên nền tảng văn hóa nào?

Trên mạng đang lan truyền một clip người đi đường vào tìm chỗ núp khi trời chiều Sài Gòn nổi cơn mưa rào gió giật thì bị bảo vệ ra đuổi đi, người già, phụ nữ bồng con nhỏ cũng không tha. Chuyện xảy ra ở khu shopping mall nổi tiếng bậc nhất thành phố; Rồi thì hình ảnh một bà mẹ trẻ bê con vừa ị xong đặt lên bàn thay bỉm trong một nhà hàng sang trọng, nhiều người xung quanh đang dùng bữa, cũng đang được "share" rộng rãi...

May thay trong mớ hỗn độn vẫn còn điều nghĩa cử: trước cảnh người dân vào trốn nóng, ngồi nằm la liệt ngày Hà Nội như chảo rang thì người ở một siêu thị khu Long Biên dọn bàn ghế ra cho dân ngồi. Hai bức hình chụp lại cảnh trước và sau khi bàn ghế dọn ra, ngoài sự tươm tất chỉnh tề còn cho thấy đây là nơi văn hóa, tình người đang có mặt (1)!

Trước những tình huống thiên biến vạn hóa của cuộc sống có những hành động gần như bản năng không toan tính mà hiệu ứng văn minh nghĩa tình lan tỏa, là nhờ họ có bề dày văn hóa. Còn hô hào bao nhiêu, treo lên cho thiệt nhiều khẩu hiệu... nhưng đã là "hàng giả" thì khi ứng xử trước một tình huống thực tế bản chất sẽ bộc lộ, ngay cả khi được "quân sư" bởi chuyên gia... kết quả chưa chắc đã hay, có khi cũng rất bi hài!

Tạm mượn câu chuyện giao thông mà lý giải phần nào nguồn cơn về văn hóa ứng xử của dân mình. Một lần ngồi trên xe buýt, tôi chứng kiến chị phụ nữ chở con mặt đồng phục học sinh chạy xe máy cố giành đường để vượt lên trên, rơi vào cảnh đọ sức với bánh xe buýt trong gang tất khiến bác tài văng tục, tôi sởn gai ốc. 

{keywords}
Bức tranh hỗn loạn của giao thông phần nào cho thấy những hỗn loạn trong ứng xử nơi công cộng của người Việt. Ảnh minh họa: Đoàn Bổng

Đấy không phải là chuyện hiếm về văn hóa giao thông ở nước ta. Khi tự mình lái xe tôi cũng gặp cảnh ô tô bị tạt đầu, bất thình lình lao ra của nhiều người, gồm những phụ nữ vốn tay lái yếu. Nhiều tai nạn thương tâm, những cái chết không toàn thây cũng không làm chùn chân họ!

Với bản năng làm mẹ chị phụ nữ kia sẽ chiến đấu cạn hơi nếu ai có hành vi đe dọa sự an toàn đứa con, nhưng khi chạy xe chị lại đặt sự an nguy con mình trong tay người khác... là do đâu? Phải chăng đất chật người đông, hạ tầng giao thông kém, luật lệ thì hên xui, buôn bán chiếm dụng vỉa hè, tràn xuống lòng đường, chạy xe thì phần thắng nghiêng về kẻ phạm luật... tạo ra cái thứ "văn minh" hổ lốn mạnh được yếu thua là nguyên nhân. Còn kết quả là: "theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 nước ta có 24.970 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông", tương đương trên 68 người chết/ngày (2).

Chưa kể, một ứng xử kém văn hóa là gửi vào xã hội một năng lượng xấu rồi lan ra theo cấp số nhân làm hủy hoại những ý tưởng suy nghĩ tốt đẹp của con người về cuộc sống, xã hội... Trong lúc các quan chức cán bộ ngành giao thông bận bịu trí não về câu chữ: "Trạm thu giá", "Trạm thu phí", "Trạm thu tiền", vị trí đặt trạm BOT, đấu trí với giới bác tài ở các điểm nóng... thì thời gian tâm sức đâu nữa mà lo nghĩ về văn minh giao thông, cải tiến kỹ thuật, giảm thiểu tai nạn, thiệt hại cho nhân dân...

Văn hóa ứng xử của người Việt nơi công cộng nhiều lúc đã vượt quá giới hạn về danh dự, sĩ diện... và đất nước khó có thể “hóa Rồng” hay tiến lên Cách mạng 4.0... với một hạ tầng ý thức công dân như hiện nay. Những mảnh ghép tản mạn ráp lại thấy hiện ra cái phông văn hóa của xã hội, có người gọi là "tấm gương phản chiếu của thể chế", còn nói theo từ ngữ đạo Phật là nhân như vậy, duyên như vậy thì quả như vậy, không thể sai khác...

Trúc Nguyễn

-------

(1) Kê bàn ghế cho người Hà Nội ngồi tránh nóng, siêu thị 'đốn tim' cộng đồng mạng, Thanh niên online, 21/05/2019.

(2) Việt Nam đứng ở đâu về mức độ nguy hiểm tham gia giao thông ở Đông Nam Á?