Sau 30 năm gắn kết thân thiết, ba nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực hội họa, văn chương và điêu khắc, gồm: Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà, Đinh Công Đạt quyết định cùng thực hiện dự án nghệ thuật chung đầu tiên: Mặt khác - Otherwise. Triển lãm sẽ diễn ra ngày 13/9 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm.
Ba cá tính 'chịu đựng nhau' suốt 30 năm
Chia sẻ với PV VietNamNet, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nói rất khó để ba cá tính nghệ sĩ kết hợp trong một sản phẩm nghệ thuật dù họ muốn làm chung với nhau từ lâu.
"Tôi không thể viết nổi một câu văn, cũng như hoạ sĩ Lê Thiết Cương điêu khắc không giỏi và nhà văn Nguyễn Việt Hà tất nhiên khó vẽ đẹp. Nhưng chúng tôi đều là 'giai phố cổ' được ăn lộc từ những con phố, nó dung dưỡng tuổi thơ tới lúc trưởng thành. Vì thế, chúng tôi cần 'trả nợ' phố. Ý tưởng Mặt khác - Otherwise ra đời từ những buổi trà dư tửu hậu", nhà điêu khắc Đinh Công Đạt chia sẻ.
Dự án này, Đinh Công Đạt sẽ tạo hình hơn 150 mặt nạ bằng giấy bồi, sơn ta và mặt nạ gốm từ ba khuôn mặt của họ để Lê Thiết Cương viết vẽ, Nguyễn Việt Hà viết những triết lý, lập ngôn riêng.
Hỏi Đinh Công Đạt: Làm thế nào thuyết phục được Lê Thiết Cương và Nguyễn Việt Hà - hai nghệ sĩ nổi tiếng khó tính 'chường mặt' ra để trưng bày? Anh nói: "Chúng tôi chịu đựng và nuông chiều nhau. Lê Thiết Cương không hút thuốc nhưng có thể ngồi hết ngày này qua tháng nọ với tôi và Nguyễn Việt Hà, trong bầu không khí đặc quánh khói thuốc. Quần áo, giày dép của tôi, Lê Thiết Cương và Nguyễn Việt Hà tự sắm, đưa gì tôi mặc đó. Ai chê mặc xấu, tôi bảo tại 'hai thằng' đó, rồi cười phá lên. Chúng tôi hạnh phúc vì có tình bạn như thế”.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà vốn không thích ồn ào như ra mắt sách hay khai trương triển lãm, đa phần anh làm vì "bị ép" và lần này cũng vậy.
"Trong các mối tổng hòa quan hệ xã hội của đám đàn ông bị 'giời hành' làm nghệ thuật, chơi với bạn là một mối quan hệ thiêng liêng đặc biệt.
Nghệ sĩ có bạn tuy không thoát khỏi cô đơn nhưng sẽ thanh thản khi đối diện với nó. Tình bằng hữu ở họ là mối tình lớn. Nó khiêm kính như tình cảm giữa thầy và trò. Nó hy sinh giống bố với con trai. Nó thăng hoa nồng nàn hơn tình chung thủy chồng vợ hay tình đằm thắm bồ bịch. Nó phóng chiếu ôm ấp trân trọng làm cao cả lẫn nhau.
Đã là bạn, thường chiều nhau, nhiều lúc còn nâng niu nhau. Vì thế, hạnh phúc nhất là khi được bạn 'ép'. Được chơi cùng bạn bất cứ trò gì, luôn là niềm vui khôn tả", Nguyễn Việt Hà bày tỏ.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói, muốn có bạn thì phải chơi được, học được, dung được cái khác của nhau, thậm chí phải chịu được nhược điểm của họ. Khác tính và khác nghề cũng là chất keo gắn kết để họ là bạn.
"Triển lãm này là một lần làm nghệ thuật cùng nhau sau rất nhiều những lê thê trò chuyện quanh năm ngày tháng. Động khẩu chán chê rồi thì cũng phải động thủ chứ", Lê Thiết Cương nói.
"Mặt khác" của Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà, Đinh Công Đạt
Theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương, "Mặt khác" là khuôn mặt khác của ba người chứ không phải mặt sau, mặt trước, mặt trái, mặt phải: "Người ta đeo mặt nạ - mặt giả để được thật trong chốc lát mà lúc bình thường chắc gì họ đã dám thật. Đó là cái hay của mặt nạ!".
Nguyễn Việt Hà chọn mặt nạ gắn với "Mặt phố" bởi không bao giờ hết hào hứng hay ám ảnh với các con phố và những con người, cuộc sống xung quanh. Anh coi cuộc sống quanh vỉa hè là "tín ngưỡng".
Vì thế, Nguyễn Việt Hà sẽ viết câu văn từ sách đã in lên những mặt nạ mang khuôn mặt mình hoặc trong lúc xuất thần "phát tiết", như: Giọng của phố giờ khẽ tới mức như mong manh sắp mất, Quà Hà Nội ngon nhất, lạ nhất là hàng rong, Sự cùng quẫn cuối cùng của con người là cơ hội của Chúa...
Tuổi thơ của Lê Thiết Cương gắn với phố Lý Quốc Sư, nhà gần ngôi chùa Lý triều Quốc Sư nên chọn mặt nạ gắn với "Mặt chùa". Anh sẽ viết kinh Phật lên mặt nạ: Bình thường tâm thị đạo, Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Mặc như lôi, Ngũ uẩn giai không.
Đinh Công Đạt chọn “Mặt chợ” một phần vì chất Kẻ Chợ ngấm trong máu, tuổi thơ anh chứng kiến mẹ buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Anh chọn những mảng màu quen thuộc trang trí mặt nạ và viết tên những con phố, hàng quán và món ăn đặc trưng Hà Nội như: ốc luộc, bún mọc chợ Gạo, lòng lợn chợ Gạo, xôi vò, xôi gà Bát Đàn…
Câu chuyện Lê Thiết Cương "Mặt chùa", Đinh Công Đạt "Mặt chợ", Nguyễn Việt Hà "Mặt phố" muốn kể qua mặt nạ không phải Hà Nội đẹp đẽ thế nào mà là số phận người trên từng con phố. Họ muốn truyền tải thông điệp về thành phố theo cách riêng: "Hà Nội là sự tinh tế và lịch lãm, sẽ mãi tồn tại".
Triển lãm lần này là lời tri ân sâu sắc và minh chứng sống động từ ba nghệ sĩ, rằng thành phố đã dung dưỡng họ trưởng thành.
Tại triển lãm, Đinh Công Đạt cũng tổ chức một workshop để trò chuyện về nghề truyền thống, đặc biệt là nghề làm mặt nạ. Anh thửa sẵn khuôn, tặng các gia đình muốn biến mặt nạ thành hàng thủ công tinh tế, giàu tính thẩm mỹ, bán cho khách quốc tế.
"Làm như vậy là tôi công khai trao tặng, vì đằng nào các sản phẩm tôi làm ra cũng bị 'cóp nhặt'. Hướng dẫn và tặng khuôn cho ai muốn lưu giữ truyền thống và kiếm cớ sinh nhai là điều tôi luôn đau đáu", Đinh Công Đạt nói.