Ngày nay, Ikaria là một địa điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển đầy cát trắng, những ngôi làng đẹp như tranh vẽ và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Nhưng trong quá khứ, hòn đảo này không phải lúc nào cũng yên bình như ngày nay. Hàng trăm năm trước, Ikaria là mục tiêu hàng đầu của những tên cướp biển gọi Aegean là quê hương của chúng.

Vì vậy để bảo vệ cuộc sống khỏi những tên cướp biển độc ác, người dân địa phương bắt đầu xây dựng những ngôi nhà 'chống cướp biển' ẩn sâu trong núi, để hòn đảo trông như không có người ở. Đa phần thời gian trong ngày, toàn bộ cư dân Ikaria giấu mình trong những ngôi nhà bằng đá để không thu hút sự chú ý của những kẻ xấu.

Theo các ghi chép lịch sử, nạn cướp biển đã hoành hành ở Ikaria và các đảo khác lân cận trong vùng Aegean kể từ Thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, nhưng mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn. Các cuộc đột kích vào hòn đảo xảy ra cả dưới thời cai trị của đế chế La Mã hùng mạnh và Byzantine.

Vào thế kỷ 14, sau khi hòn đảo trở thành một phần của Cộng hòa Genoa, nạn cướp biển trở nên tồi tệ đến mức người dân địa phương đã phải tự tay phá hủy các cảng của chính họ để ngăn chặn các cuộc xâm lược. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

Sau khi Ikaria được sáp nhập vào Đế chế Ottoman, người dân nơi đây càng trở nên tuyệt vọng. Quy tắc lỏng lẻo của Ottoman càng khiến cướp biển hoành hành hung bạo hơn. 

Không còn hy vọng trong việc chống lại sự xâm lược của cướp biển, người dân Ikaria đã buộc phải rời bỏ nhà cửa ngoài bờ biển để di cư vào những khu rừng núi sâu trong đảo. Họ sống trong những ngôi nhà xây bằng đá khiêm tốn, thiếu tiện nghi, nhưng lại có khả năng ngụy trang hoàn hảo.

Được gọi là "những ngôi nhà chống cướp biển", những ngôi nhà này kết hợp các đặc điểm tự nhiên của cảnh quan miền núi có sẵn đảo, chẳng hạn như tảng đá to nhô ra và bụi rậm nên khiến chúng khó phát hiện hơn từ khoảng cách xa.

Eleni Mazari, một người dân địa phương, nói với BBC rằng: “Đây là những kiểu nhà mà không nhiều người tưởng tượng ra khi nhắc đến Hy Lạp. Người Ikaria xây dựng những ngôi nhà mà không ai có thể nhìn thấy. Và để làm được điều đó, họ phải đi vào những vùng rừng núi hoang dã sâu trong đảo, rất khó phát hiện từ đất liền”.

Người Ikaria đã tiếp tục xây dựng và sống trong những ngôi nhà chống cướp biển trong khoảng ba thập kỷ, thời kỳ thường được gọi là "kỷ nguyên cướp biển". Hiện nay, những ngôi làng trên núi như Lagkada vẫn còn những ngôi nhà bằng đá từ thời đó.

Để tránh thu hút sự chú ý, các ngôi nhà này thường chỉ có một tầng, xây thấp hơn các tảng đá để ngụy trang và chúng sẽ không có ống khói. Người dân địa phương chủ yếu tương tác vào ban đêm và tránh sử dụng lửa hoặc bất kỳ nguồn ánh sáng nào, thậm chí họ còn không nuôi chó vì sợ rằng tiếng sủa của chúng sẽ thu hút những vị khách không mời.

Điều thú vị là, bất chấp những khó khăn mà người dân địa phương phải chịu đựng trong nhiều thế kỷ, Ikaria được biết đến là vùng đất trường thọ của Hy Lạp , nơi cứ ba người thì có một người sống đến 90 tuổi, thậm chí nhiều người còn trên trăm tuổi. Đây cũng là một trong những “vùng xanh” sức khỏe hiếm hoi được thế giới công nhận.

Đỗ An (Theo OC)