XEM VIDEO: 

Sắn sượng không làm ta nản chí 

Bến đò Tùng Luật (mật danh là bến đò B) thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ông Trần Phú Kiệm (73 tuổi) sinh ra và lớn lên bên bến đò, từ năm 1964 là người trực tiếp ở lại đây tham gia đại đội dân quân Tùng Luật. 

Ông kể, có thời điểm chỉ trong một ngày đêm, đơn vị đã đưa được 2.000 bộ đội qua sông sang bờ Nam chiến đấu. Anh em bất kể giờ giấc nào đều sẵn sàng phục vụ. 

{keywords}
Ông Trần Phú Kiệm kể về chuyến đò qua sông bị dính bom từ trường

Năm 1968, Mỹ nhiều lần rải bom từ trường và bom nổ chậm dọc tuyến sông Bến Hải vào đúng lúc bộ đội qua sông. Đã có chuyến đò chở 22 chiến sĩ qua sông lúc 8h tối, dính bom từ trường. Đò của dân quân ra cứu thương cũng dính bom, lật tung… 11 người không tìm thấy xác, hai ngày sau cả đơn vị tập trung đi tìm, anh em phải mang bình hơi để lặn đáy sông, cuối cùng tìm được đủ đồng đội. 

Từ năm 1968-1971, đại đội dân quân Tùng Luật căng mình chiến đấu với máy bay địch, vừa phục vụ đưa bộ đội qua sông, có lúc còn tiếp tế hàng ra đảo Cồn Cỏ. Họ cùng nhau thề ở lại bám trụ địa bàn. Ngày chiến đấu, tối về vẫn sinh hoạt văn nghệ, có lúc say sưa hát múa thì tiếng bom rền ngay trên đầu. 

Dân đi sơ tán cả, tại thôn Tùng Luật chỉ toàn hố bom đạn, lương thực không có, anh em tìm từng củ sắn già, bỏ vào nước ngâm ăn, nhưng sắn già quá có người không ăn được phải ra ngoài bụi tìm lá tàu bay luộc ăn cho qua bữa. Anh em dân quân nói với nhau: “Sắn sượng không làm ta nản chí/Bom Mỹ không làm ta sờn lòng/Cùng nhau quyết tâm nuôi ý chí/Quyết tâm giữ vững đất quê hương”. 

9 năm trong lòng đất

Cùng tuổi với ông Kiệm, cô Lê Thị Xưng ở bến đò này từ năm 1966-1975. Thời đó, địch rải bom nhiều tới mức không còn cây cối nào có thể sống được. 

Các cô phải đào địa đạo. Mọi sinh hoạt đều dưới lòng đất, chỉ khi làm nhiệm vụ mới lên trên. Muốn đưa bộ đội qua sông, phải đi đêm vì ban ngày máy bay địch quần thảo. Mùa mưa, nước dưới hầm dâng lên, dâng đến đâu lại kê cao đến đó để ngủ. Mùa hè lấy tay vợt được cả nắm muỗi. 

{keywords}
Cô Xưng và đồng đội đã sống 9 năm trong lòng đất

“Có lần tôi đang ngồi trong hầm với 2 chiến sĩ, máy bay do thám của địch phát hiện. Tôi hô các anh chạy đi nhưng các anh chưa có lệnh di chuyển và bảo tôi chạy. Đi được khoảng 50m thì bom dội xuống hầm, tôi chưa kịp hỏi tên tuổi, quê hương của các anh. Lúc quay lại thì căn hầm trú ẩn chỉ còn là hố bom sâu, mọi thứ đều tan tành”, cô Xưng nghẹn ngào kể. 

Cô Xưng và đồng đội đã sống 9 năm trong lòng đất, chẳng mấy khi nhìn thấy mặt trời. Khi đất nước hoà bình, họ vô cùng vui sướng, có thể lên mặt đất, ngồi bên bờ sông Bến Hải yên bình ngắm ánh trăng… 

Cô Trần Thị Mạo là thành viên trong đại đội dân quân Tùng Luật từ năm 1964 khi mới 17 tuổi. Năm 1968, cô được bình chọn là chiến sĩ quyết thắng của đơn vị, năm 1969 được cử đi Liên Xô báo cáo đại diện đất lửa Vĩnh Linh anh hùng trên đài tiếng nói Moscow. 

Gia đình cô có hai cậu ruột hy sinh năm 1968, 1969 khi đưa bộ đội qua sông…

“Tôi còn nhớ kỷ niệm hai chị em chúng tôi được phân công đi bộ lên Vĩnh Long (cách Tùng Luật khoảng 15m) để tải đạn về. Lên đến cầu Mũi Lò (xã Vĩnh Giang) phát hiện cầu bị bom đánh thủng một khoảng lớn, một đơn vị pháo của ta đành ngụy trang pháo và tìm cách qua cầu. 

{keywords}
Cô Trần Thị Mạo là thành viên đại đội dân quân Tùng Luật từ năm 1964, khi mới 17 tuổi

Nhìn về phía biển, thấy máy bay địch lượn dòm ngó, chúng tôi dự đoán khả năng chúng sẽ nhằm vào đơn vị pháo. Hai chị em không biết hướng nào, cứ thẳng đường 1 mà chạy trong khi bom địch nổ rền. Đến loạt bắn phá thứ 2, một quả bom đào rơi ngay giữa đường, chỉ cách chỗ hai chị em nằm tránh vài mét. Đất bùn vùi kín đầu nhưng may mắn chúng tôi sống sót. Khi bom ngừng rơi, hai chị em lại đi, tiếp tục lấy và gánh đạn về lại bến đò”.

Nhiều thế hệ cùng sánh vai, cầm mái chèo vượt sông 

Từ giữa năm 1967 đến đầu 1973, bến đò Tùng Luật được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy và xã đội Vĩnh Giang. Tại đây thường xuyên có một đại đội dân quân gồm 80 người (lúc cao điểm lên tới 111 người), biên chế thành 4 phân đội: Phân đội chèo thuyền vượt sông, rà phá bom mìn; Vận tải, tiếp tế cho Cồn Cỏ; Bảo vệ pháo phòng không; Đào địa đạo, công sự, hầm hào, lán trại, tổ chức cứu thương, di chuyển thương binh, tử sĩ và tập kết hàng hóa.  

Bến đò là con đường ngắn nhất nối Vĩnh Linh với chiến trường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà… lại nằm sát khu vực dân cư, địa hình xen lẫn những đồi đất đỏ thấp, cây cối nhiều, lợi thế cho việc ém quân và tập kết hàng hóa, thuận tiện để vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ nên được Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh chọn làm điểm chiến lược. 

{keywords}
Bao năm trôi qua, những dân quân từng bám chốt nơi đây kẻ còn, người mất. Người còn sống vẫn vẹn nguyên ký ức
{keywords}
Bến đò Tùng Luật, địa danh lịch sử hào hùng

Chính vì lý do này mà bến đò Tùng Luật trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Suốt những năm chiến tranh, trên diện tích chưa đầy 1.500m2 của bến đò, địch đã huy động hơn 1.200 tốp máy bay phản lực với trên 3.200 lần ném bom, 7 lần dùng B52 rải thảm, 3 lần dùng chất độc hóa học phát quang, hơn 1.500 lần pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu… 

Đã có gia đình 2-3 thế hệ cùng sánh vai, cầm chèo tải đạn. Cha ngã xuống, con lên thay, anh hy sinh đã có em tiếp bước. Chỉ hơn 6 năm, tại bến đò này đã có 29 người con của Tùng Luật ngã xuống, máu thịt hòa với dòng sông và hơn 40 người đã gửi lại một phần thân thể của mình. 

Dưới mưa bom bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong đã đảm bảo hoạt động liên tục của bến để tiếp tế cho miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng. Tại bến đò này từ 1968 - 1972 đã có hơn 78.000 lượt thuyền qua về… 

Bến đò B ngày nay thanh bình với hàng dừa soi bóng xuống dòng sông yên ả. Câu chuyện quá khứ đã trở nên xa xôi, nhưng lịch sử nhắc nhớ bằng những trang vàng ghi chiến công của những người anh hùng thầm lặng. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp vì nhiệm vụ vẻ vang bên bến đò này. 

* Kỳ tới: Cuộc 'chọi cờ' hai bờ giới tuyến Hiền Lương

Diệu Thúy - Hiền Anh

Đám cưới rước dâu qua cầu Hiền Lương sau ngày thống nhất

Đám cưới rước dâu qua cầu Hiền Lương sau ngày thống nhất

Đám cưới của bà Hoa và ông Nghi cách đây 47 năm - đám cưới đầu tiên rước dâu qua cầu Hiền Lương khi hòa bình lập lại - là minh chứng cho tình yêu thủy chung, vượt mọi tàn khốc chiến tranh.