Để xây dựng bản làng ngày càng khởi sắc, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo cho các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để truyền đạt lại cho bà con.
Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hiểu được tầm quan trọng của phong trào cả nước xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiến đất để mở đường giao thông và các công trình phúc lợi cộng đồng khác. Điển hình như gia đình ông Hồ Hơn ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) đã 5 lần hiến đất với 2.500m2 để làm đường giao thông và xây dựng trường học với 1.500m2.
Mới đây, tuyến đường giao thông dài 250m tại bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) được đầu tư xây dựng. Tuyến đường này đi qua nhiều hộ dân trong bản và cần được mở rộng để xây dựng cũng như nắn chỉnh thuận lợi cho việc đi lại sau này nên ông Nguyễn Văn Bền (dân tộc Bru-Vân Kiều), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cổ Tràng đã bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến đất, tài sản để mở rộng, thi công con đường.
Hành động gương mẫu của ông Bền đã được nhiều hộ gia đình trong bản như Hồ Thị Giáo, Hồ Thị Mịa… noi theo. Các hộ cũng tự nguyện hiến đất, chặt hàng chục cây ăn quả để lấy mặt bằng san ủi mặt đường. Nhờ sự chung tay, ủng hộ của bà con mà bản Cổ Tràng có một con đường rộng rãi, sạch đẹp, ô tô vào đến tận nhà.
Ngoài hiến đất xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc thiểu số cũng tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn, cùng với sự hỗ trợ của Chương trình 135, dự án giảm nghèo... nhiều hộ gia đình đã được giao đất rừng, đào tạo nghề và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Điển hình như các hộ: Hồ Văn Song, Hồ A Lai ở xã Kim Thủy, Hồ Thanh Bùi, Hồ Văn Ngọc ở xã Lâm Thủy (Lệ Thủy); Hồ Văn Quý, Hồ Văn Tát, Hồ Văn Hơn ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh); Đinh Hợp ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch); Bàn Thanh Sơn ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa)… có thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên.
Không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tuyên truyền, vận động giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bằng các hình thức hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động…
Bên cạnh việc thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số tâm huyết với việc lưu giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội đập trống của người Ma Coong, mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều... không chỉ được duy trì mà còn trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Phan Công Khánh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chính sách hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước, làm động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, vươn lên, góp phần xây dựng quê hương, bản làng ngày càng giàu đẹp.