- Hằng ngày, bất kể giờ giấc, dù nắng hay bão giông, các anh vẫn tỉ mẩn quan trắc mây, đo độ ẩm, lượng mưa, tốc độ và hướng gió để “đoán” thời tiết. Đó là nhiệm vụ hằng ngày của 7 anh em ở Trạm Khí tượng - hải văn Trường Sa (thuộc Đài Khí tượng -Thủy văn Nam Trung Bộ).

Nghề “bắt mạch ông trời”

Trong những ngày cuối năm, lần đầu tiên trong đời tôi được đặt chân đến đảo Trường Sa lớn (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) trong chuyến hải trình ra với đảo Tết Ất Mùi 2015. Trên con tàu HQ-561, xem ti vi thấy dự báo gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, sóng cao 4-5m, biển động…anh em phóng viên lại xít xoa. Sóng mạnh, biển động anh em mới lần đầu ra với Trường Sa bị sóng đánh cho say sấp, say ngửa. Cũng vì biển động, việc vào đảo lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn.

{keywords}
Anh Phước bắt đầu công việc của mình lúc 1h sáng

Nhìn từng chuyến xuồng vượt sóng đưa quà Tết từ đất liền đến đảo trong sự chờ đợi háo hức của anh em chiến sĩ, chúng tôi càng thấu hiểu ý nghĩa của những chuyển tàu Tết tới với quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa.

Anh Trương Thanh Tịnh (quê TP.Tuy Hòa, Phú Yên) đang công tác ở Trạm Khí tượng-hải văn Trường Sa lớn hớn hở ra tận cầu tàu đón đoàn công tác. Với các anh, cành mai, lá dong và những phần quà từ đất liền sẽ giúp xua đi nỗi nhớ nhà da diết, cái nao nao của nỗi nhớ Tết đất liền.

Đây là năm thứ 2 Tịnh đón Tết ở Trường Sa, anh tình nguyện ra đảo công tác vì yêu quí hình ảnh người lính hải quân chắc tay súng bảo vệ và giữ gìn từng hòn đá, từng mảnh san hô trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…“Nhớ Tết ở đất liền lắm, nhất là bữa cơm tất niên cùng gia đình, cả nhà lại ôm chuyện cũ, dự định năm mới. Nhưng giờ thì Tết cũng đã về với đảo Trường Sa lớn rồi”, nói tới đây, giọng anh Tịnh như nghẹn ở cổ.

Đặt chân đến Trạm Khí tượng – hải văn Trường Sa trời đã nhá nhém tối, sương xuống và nhiệt độ giảm, gió mạnh đưa nước muối bám một lớp như sương trên tất cả mọi thứ có trên đảo, da người cũng bị muối bám vào cứ nhầy nhụa khó chịu. Vậy mà, mặc cho thời thiết khắc nghiệt ấy, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những đồng nghiệp của anh Tịnh vẫn cặm cụi ngoài khu vườn của trạm khí tượng để quan trắc độ ẩm, hướng gió, nhiệt độ, rồi ghi ghi, chép chép số liệu từ những thiết bị đo thủy văn, khí tượng vào cuốn sổ nhỏ cầm tay.

“Những tháng cuối năm ở Trường Sa thời tiết khắc nghiệt và thất thường lắm! Không chỉ có biển động, sóng to do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiều lúc còn xuất hiện thời tiết cực đoan nguy hiểm, như lốc xoáy, nên anh em tôi phải bám trụ và theo dõi chặt chẽ để kịp thời cảnh báo cho người dân”, anh Tịnh giải thích.

Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước (quê Bình Định) – được xem là “lão làng” của trạm với 6 năm công tác nơi đây. Anh Phước cho biết, công việc của các anh là hằng ngày đo mây, mưa, gió, khí áp, nhiệt độ... rồi gửi về Đài Khí tượng - thủy văn Nam Trung Bộ để đất liền tổng hợp và đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa. Giúp người dân trong đất liền và hàng vạn ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên biển Đông biết trước những biến động thời tiết, để tránh trú an toàn trước những cơn bão, hay có những kế hoạch phòng tránh những thiên tai bất thường trên biển.

{keywords}
Anh Tịnh cần mẫn ghi chép số liệu

Anh Phước tâm sự: “Ở đây, trạm chúng tôi có cả thảy 7 người, mỗi ngày 4 lần thu thập các số liệu thời tiết gửi về đất liền. Mỗi khi có thời tiết xấu, cứ  30-40 phút/lần phải thông báo số liệu quan trắc về đất liền, sử dụng hệ thống Icom thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết trước được diễn biến thời tiết.

Miết mồ hôi…đuổi thời tiết

Theo Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước, trung bình mỗi năm có từ 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới quét qua quần đảo Trường Sa. Ngần ấy lần bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới là cũng ngần ấy thời gian cán bộ thủy văn nơi đây phải đối mặt với hiểm nguy, lặng lẽ “đếm gió, đo mưa” để bắt mạch “Ông trời”.

Những lúc mưa to, gió lớn mọi người tìm nơi tránh trú an toàn, những nhân viên quan trắc lại lao ra đội mưa, hứng gió để thu lấy số liệu không thể chậm, dù chỉ vài phút. Vì vậy, bảy anh em dù mỗi người mỗi quê nhưng xem như anh em một nhà, cùng chia sẻ khó khăn, gánh vác công việc vượt qua hiểm nguy.

Đặc biệt là mùa mưa bão tháng 9, 10 hằng năm, nơi đây được coi là “con mắt” báo bão sớm nhất nước, là trạm tiền tiêu nơi đảo xa của ngành khí tượng thủy văn.

{keywords}
Trạm trưởng Phước làm nhiệm vụ đo thời gian nắng trong ngày

“Nhiều lần gặp bão lớn, gió giật ầm ầm, cứ mở cửa đi quan trắc là người như muốn ngã, nhưng chúng tôi vẫn phải thức trực suốt đêm. Cứ 30 - 60 phút  lại phải ra khỏi chăn, lao ra ngoài vườn”, anh Dương Ngọc Sơn, nhân viên của trạm nói.

Đó là, chưa kể đến việc thiếu thốn thực phẩm, rau xanh vì thực phẩm phải gửi mua từ đất liền mang ra, rồi trữ trong tủ đông để dùng suốt 2 tháng. Nếu tàu không ra được theo kế hoạch, lương thực với các anh sẽ rất khó khăn, chẳng có gì để ăn ngoài lương khô và mì gói…

Tuy nhiên, lo lắng nhất với các anh vẫn là máy móc, trang thiết bị làm việc bị xuống cấp do nước biển ăn mòn. Nên các anh ngoài nhiệm vụ đo đếm số liệu, còn phải thường xuyên lau chùi và bảo dưỡng các trang thiết bị. Vì nếu một số liệu không chính xác, dẫn tới dự báo sai sẽ nguy hiểm tính mạng hàng ngàn ngư dân trên biển. Và vì thế, các anh đôi khi cũng phải đánh đổi bằng tính mạng mình.

Còn nhớ, đêm 21/3 của năm 2010, khi trời mưa gió bão bùng, sóng dập trắng xóa cầu cảng đảo Trường Sa lớn, quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa (SN 1986, quê Nam Trực, Nam Định) nhận nhiệm vụ ra cầu cảng thu số liệu mực nước và cấp sóng. Nhưng 15 rồi 30 phút, tới 1 tiếng vẫn chưa thấy anh Nghĩa quay về, anh em trạm ùa ra cầu cảng tìm mới phát hiện thi thể đồng đội mắc kẹt dưới lớp san hô. Khi đó, anh mới 24 tuổi.

Hiện mộ phần của Nghĩa được an táng ở nghĩa trang trên đảo Trường Sa Lớn, giữa bốn bề gió thổi vi vu, sóng vỗ rì rào.

Trạm Khí tượng - hải văn Trường Sa được xây dựng từ năm 1977, hiện là một trong 26 trạm phát bão quốc tế, cách đất liền xa nhất và được nhìn nhận là “con mắt báo bão” sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn nước ta.

Phạm Thanh – G.Văn