Một là phát huy vai trò "đầu tàu" của Phòng Thí nghiệm khoa học kỹ thuật quốc phòng (DSTL). Với tư cách là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Quốc phòng Anh, DSTL phải tìm hiểu toàn diện nhu cầu của khách hàng, cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành với phương thức tốt nhất, hiệu quả cao nhất. DSTL cũng chịu trách nhiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu tới các ngành có liên quan, hoặc chuyển một phần công nghệ, kỹ thuật quân dụng sang dân dụng. 

Ảnh minh họa: Lockheed Martin

Để hoàn thành nhiệm vụ. DSTL cần nắm chắc tất cả các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cần phát triển, phấn đấu cung cấp cho lực lượng vũ trang những hệ thống vũ khí hàng đầu; tích cực hợp tác với các ngành công nghiệp, các phòng thí nghiệm của chính phủ trong nghiên cứu phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng; giúp khách hàng đề ra kế hoạch phát triển, mua sắm và quản lý rủi ro...

Hai là đối với những công nghệ, kỹ thuật mấu chốt mà trong nước không thể thực hiện, cần tiến hành hợp tác với nước ngoài (đặc biệt là Mỹ và châu Âu). Hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích, như chia sẻ phí tổn, tiết kiệm kinh phí, giảm rủi ro; giúp cho việc tiêu chuẩn hóa, thông dụng hóa trang bị vũ khí giữa các nước đồng minh...

Ba là đầu tư hợp lý cho nghiên cứu và phát triển, cân bằng giữa nghiên cứu lâu dài với phát triển ngắn hạn, chú ý tới tiến độ của cả nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt đầu tư cho hoạt động phát triển 5 năm gần nhất và cho hoạt động nghiên cứu sớm từ 20-25 năm. 

Bốn là phối hợp hiệu quả hoạt động đầu tư giữa Bộ Quốc phòng với các ngành công nghiệp; xác định rõ tỷ lệ đầu tư giữa Bộ Quốc phòng với các ngành công nghiệp, giữa nghiên cứu phát triển kỹ thuật quốc phòng với nghiên cứu phát triển kỹ thuật dân dụng. Duy trì đầu tư cho phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng chiếm 2,5% GDP. 

Năm là thu hút các chuyên gia có trình độ cao tham gia vào phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng. Có cơ chế phù hợp để khuyến khích, thu hút họ như cấp học bổng cho nghiên cứu sinh tiến sĩ ở các lĩnh vực quan trọng.

Các lĩnh vực ưu tiên

Công nghệ, kỹ thuật chung (CCT), trong đó ưu tiên phát triển thiết bị cảm biến và kỹ thuật đối kháng, công nghệ tích hợp nhân viên/phương tiện, các công nghệ kết cấu, môi trường vật lý và quản lý năng lực.

Hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, thông tin, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát (C4ISTAR). Gồm: công nghệ, kỹ thuật thiết kế hệ thống C4ISTAR; công nghệ quản lý chiến trường và chỉ huy (CBM); kỹ thuật thu thập và xử lý thông tin; kỹ thuật truyền tin và hệ thống thông tin; kỹ thuật nhận biết tác chiến; kỹ thuật bộ phận hiệu ứng C4ISTAR; kỹ thuật tác chiến thông tin.

Kỹ thuật tác chiến cự ly gần và bảo đảm tác chiến (CCCS), gồm kỹ thuật đảm bảo cho xe bọc thép chiến đấu và nhân viên tác chiến, bảo đảm hệ thống tác chiến đổ bộ, nguồn năng lượng, quản lý động lực, hệ thống quang học, hệ thống chống mìn, hệ thống vượt vật cản, công trình bảo vệ lực lượng, bảo đảm hậu cần và huấn luyện.

Công nghệ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN), gồm: công nghệ, kỹ thuật đánh giá và quản lý nguy hiểm, thăm dò nhận biết, quản lý thông tin, phòng hộ vật lý, điều trị, thí nghiệm và giám định.

Công nghệ, kỹ thuật chống khủng bố (CT), trong đó, ưu tiên phát triển kỹ thuật tích hợp hệ thống/phương tiện, thiết bị cảm biến và chẩn đoán nhận biết, hệ thống xạ tần, hệ thống thông tin, kỹ thuật xử lý chất nổ và vũ khí đặc biệt.

Công nghệ, kỹ thuật hệ thống vũ khí phức tạp (CW), chủ yếu gồm: công nghệ phần mềm, kỹ thuật thiết kế và tích hợp hệ thống, động lực học không khí, thiết bị cảm biến.

Công nghệ kỹ thuật máy bay cánh cố định và máy bay không người lái (FWUAV), trong đó, chú trọng phát triển các kỹ thuật tàng hình, lực đẩy, động lực học không khí/kết cấu và điều khiển, thiết bị cảm biến, tác chiến điện tử, hệ thống trang bị điện tử hàng không, tích hợp vũ khí...

Lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới nổi (ET), gồm: công nghệ thông tin giúp đưa ra quyết sách và tích hợp nhân viên, kỹ thuật tác chiến an toàn, kỹ thuật thông dụng.

Nguyên Phong