Thiết thực nhất, cần thiết nhất vẫn là tập trung xây dựng những tượng đài trong lòng dân, tức là làm sao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…
LTS: Sau khi đăng tải các bài phân tích về kế
hoạch HN sẽ xây mới 35 tượng đài, Tuần Việt Nam đã nhận được ý kiến của
nhiều bạn đọc. Tôn trọng tính đa chiều, xin giới thiệu phân tích dưới đây
của tác giả Minh Phước.
Có còn là văn hóa?
Làm tượng danh nhân hay tượng đài nói chung, dù lớn và hoành tráng hay nhỏ mà tinh tế thì cũng là làm văn hóa. Tức là biểu tượng đó phải đặt sao cho thích hợp nhất với bối cảnh lịch sử truyền thống và con người xung quanh, phải đạt được giá trị cao nhất về ngôn ngữ tạo hình thẩm mỹ, có giá trị công năng dài lâu bền vững.
Nhiều tượng đài có quy mô hoành tráng, nhưng chất lượng không đạt yêu cầu, không phù hợp với cảnh quan kiến trúc và cộng đồng xung quanh. Nhiều công trình còn xuống cấp nhanh chóng, trầm trọng…
Thủ đô Hà Nội, một địa danh ngàn năm tuổi, nơi rất cần những tượng đài xứng tầm để tô điểm thêm các giá trị sống của con người. Nhưng với 28 tượng đài hiện có, không ít người đã phải thở dài ngao ngán. Công trình xứng đáng gọi là biểu tượng tinh thần của người dân ngàn năm văn hiến, không nhiều.
Bản đồ quy hoạch tượng đài HN. Ảnh: vtv.vn |
Mới đây, người dân Thủ đô “giật mình” với đề xuất của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng Hà Nội cần xây thêm 35 tượng đài mới, phân bổ đều ở tất cả các quận, huyện. Giai đoạn 2015-2020, sẽ ưu tiên xây 11 tượng đài với nguồn vốn 550 tỉ đồng.
Không thể hình dung 11 tượng đài kia đẹp xấu thế nào nhưng dư luận đã khá ngạc nhiên khi nguồn kinh phí 550 tỉ đồng kia đã được làm tròn số.
Với đa số người dân, giữa tượng đài và những dự án dân sinh, cân đo đong đếm cho kỹ thì cái nào thực tế hơn?
Hoàn cảnh lịch sử khiến nước ta có nhiều tượng đài, và cũng chính vì hoàn cảnh lịch sử đó nên phần đông tượng đài thiên về định hướng tuyên truyền, điều đó là không bàn cãi. Nhưng có nói gì thì nói, tượng đài nào ra đời cũng phải đi đôi với thực tế, thực chất cuộc sống và đảm bảo được chất lượng tinh thần, chất lượng thẩm mỹ, chất lượng bền vững.
Nếu chỉ mang tính hình thức mà xa rời các tiêu chí hiện thực khác thì tượng đài đó chỉ còn lại giá trị phù phiếm, nhà thơ, nhà tuyên truyền bậc thầy nước ta là Tố Hữu cũng đã từng thốt lên rằng:
“Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Giỏi… làm kinh tế hơn
Làm tượng đài là làm văn hóa, mà đã làm văn hóa thì phải chú trọng đến yếu tố chất lượng và hạn chế tối đa được việc thất thoát lãng phí. Nhìn vào giá trị thẩm mỹ các tượng đài hiện nay, có vẻ như những nhà “tượng đài học” ấy giỏi… làm kinh tế hơn là chú trọng đến giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật của công trình.
Ở đất Quảng nắng gió, nơi có công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, mặc dù chưa hoàn thành nhưng từ khi mới định hình trên giấy thì công trình này đã nổi tiếng khắp cả nước. Nổi tiếng vì ý nghĩa nhân văn cao đẹp, nổi tiếng vì quy mô hoành tráng, nổi tiếng vì bài toán kinh phí và chính vì bài toán kinh phí kia đã khiến công trình đã đôi lần phải dừng lại.
Và cùng với cái ý nghĩa văn hóa kia, chúng ta đã cũng thấm thía, ngậm ngùi khi thấy nơi này xây khu làng văn hóa xây tiền tỉ rồi bị bỏ hoang phí, nơi kia xây công trình văn hóa hoành tráng hàng trăm tỉ đồng rồi chẳng biết để làm gì đấy thôi.
Làm văn hóa như vậy có khác gì “những bộ đồ thời trang” được mặc trong đám tang cụ cố Hồng mà “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng đặc tả trong tuyệt tác Số Đỏ của mình.
Đất nước hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, việc khắc phục và chỉn chu lại các tượng đài hiện có sao cho xứng tầm vẫn là câu hỏi khó huống hồ xây thêm, xây mới.
Thiết thực nhất, cần thiết nhất vẫn là tập trung xây dựng những tượng đài trong lòng dân, tức là làm sao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao… đến mức có thể thai nghén, định hình, ra đời, phát triển, thổi được cái hồn văn hóa vào những tượng đài đúng nghĩa, đích thực.
- Minh Phước