Với nội dung tham luận về: “Những khó khăn trong tiếp cận thương mại điện tử của Hợp tác xã (HTX) và thành viên vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS)” tại tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các HTX, THT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” vừa được Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức mới đây, Lâm Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Suối Giàng đã gây được sự chú ý bởi những cách làm riêng nhưng đem lại hiệu quả cao.
Bà Thoa cho biết, HTX Suối Giàng được nhiều người biết đến với tên gọi khác là “Hợp tác xã đồng bào” bởi các thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, với 90% là dân tộc H’Mong, số ít là các dân tộc Kinh, Dao, Tày.
“Có thể khẳng định, việc vận động, khuyến khích bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào HTX, thay đổi tư duy, cách thức sản xuất không hề đơn giản. Với cách làm riêng của mình, HTX Suối Giàng đã vận động và giúp người H’Mong nơi đây thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... chuyển sang hình thức sản xuất hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn hơn và sản xuất theo chuỗi giá trị”, bà Thoa nói.
Tháng 11/2012, nhãn hiệu “Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận. Đến nay, HTX đã có 4 dòng sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” trà được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm... theo tiêu chuẩn châu Âu. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 5,7- 6,0 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Thoa, để cây chè shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, đồng bào Mông nơi đây đã quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa, với phát triển du lịch; đồng thời ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá thương hiệu, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của HTX nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận.
HTX Suối Giàng đã được tỉnh hỗ trợ chuyển đổi số với 5 nội dung, trong đó có triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè shan tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và triển khai bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên.
Việc triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh, gắn mã QR trên từng sản phẩm để minh bạch thông tin ghi nhận theo thời gian thực đến tận gốc cây chè, đã đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường trong nước và đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Qua thí điểm triển khai đối với cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại xã Suối Giàng, phát triển du lịch, bảo tồn các cây chè cổ thụ quý hiếm.
Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số, đây cũng là cơ hội để các HTX giải quyết bài toán tiếp cận khách hàng, mở rộng đầu ra. Tuy nhiên, bà Thoa nhận định, việc quảng bá, giới thiệu và bán được hàng trên các sàn thương mại điện tử đối các HTX còn gặp nhiều khó khăn do các HTX không làm bài bản, chưa đầu tư việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, do đó rất khó cạnh tranh và không tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử trong việc bán hàng.
Để khắc phục một số khó khăn trong việc tiếp cận thương mại điện tử, HTX Suối Giàng mạnh dạn đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số hơn nữa cho cán bộ, thành viên HTX, người dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó chú trọng chú trọng đào tạo nhân lực cho việc phát triển mảng thương mại điện tử. Tiếp tục có chính sách thu hút cán bộ trẻ có trình độ công nghệ thông tin, thương mại điện tử về làm việc tại HTX, nhất là các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh cũng cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về chuyển đổi số, khắc phục tình trạng “lõm sóng” ở các thôn, bản vùng cao. Bên cạnh đó là tập trung tín dụng cho các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, để các HTX có điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo để có thể canh trạnh trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.