Julian Assange, người trốn trong Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) 7 năm qua, đã bị bắt ngày 11/4. Ông từng khẳng định trong một thời gian dài rằng Washington muốn ông vào tù vì đã công bố những thông tin mật của chính phủ Mỹ.

{keywords}
hà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. (Ảnh: Reuters)

Khi Bộ Tư pháp đưa ra cáo buộc với ông Assange ngày 11/4, tài liệu này cho rằng nhà sáng lập WikiLeaks đã giúp sĩ quan tình báo trong quân đội Mỹ Chelsea Manning bẻ khóa mật khẩu để đánh cắp dữ liệu. Nếu Assange bị dẫn độ từ Anh, ông sẽ bị tuyên mức án cao nhất là 5 năm tù.

Một quan chức Mỹ nhận định với CNN rằng Bộ Tư pháp đang muốn tăng thêm các tội danh đối với Assange. Hiện chưa rõ liệu các cáo buộc với ông có liên quan đến việc WikiLeaks công khai các tài liệu mật hay không. Bất kể phải đối mặt với tội danh nào thì Assange và WikiLeaks đều đã khiến chính phủ Mỹ phải "đau đầu" một thời gian dài với những thông tin mật đã công bố.

Các tài liệu của Chelsea Manning

Đầu năm 2010, sau khi trò chuyện với Assange một vài tháng, Chelsea Manning đã tiết lộ 750.000 trang tài liệu và rò rỉ những thông tin mật về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq cho WikiLeaks.

Tháng 4 năm đó, WikiLeaks đã đăng tải một video do Manning cung cấp cho thấy các công dân Iraq và các nhà báo nước này thiệt mạng khi bị một trực thăng của quân đội Mỹ tấn công hồi năm 2007. Tổ chức Bác sĩ không biên giới bình luận video này đã mô tả "một tội ác chiến tranh".

Một tháng sau đó, tháng 5/2010, ông Manning đã bị bắt giữ và đối mặt với 20 tội danh. Tháng 1/2017, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sắp kết thúc, WikiLeaks đã đăng tải một tweet đề xuất dẫn độ Assange tới Mỹ nếu Chelsea Manning được khoan hồng.

Mặc dù ngay hôm sau đó, Tổng thống Obama thông báo sẽ giảm tội danh cho Manning nhưng Assange vẫn tị nạn ở Đại sứ quán Ecuador.

Rò rỉ thư điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ

Năm 2010, WikiLeaks bắt đầu công khai một lượng lớn các bức thư điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ với các thông tin từ khoảng 270 Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Mỹ. Những tài liệu này cũng tiết lộ nhiều thông tin mật liên quan đến bà Hillary Clinton – người khi đó Ngoại trưởng Mỹ.

Strafor

Cuối tháng 12/2011, một nhóm hacker nặc danh tự xưng là Anonymous đã tấn công Stratfor - một công ty tình báo tư nhân tại Austin thường bán các thông tin tình báo cho Bộ Quốc phòng Mỹ và các khách hàng khác. Sau đó, nhóm hacker này đã chuyển các thông tin này cho WikiLeaks công bố.

Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (FBI) đã tìm ra nhóm hacker này và thành viên Jeremy Hammond của nhóm, một nhà hoạt động chính trị tại Chicago, phải lĩnh mức án 10 năm tù giam.

TPP

Năm 2015, chính quyền Tổng thống Obama hối thúc 12 nước chủ yếu ở Thái Bình Dương ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại lớn gây tranh cãi được cho là một chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường vị thế để đối trọng với Trung Quốc tại khu vực.

WikiLeaks đã thu thập dữ liệu và công khai các chương nội dung dự kiến trong TPP gây ra những tranh cãi trái chiều. 3 ứng viên Tổng thống tiềm năng thời điểm đó là Donald Trump, Bernie Sanders và Hillary Clinton đều thể hiện rằng họ phản đối thỏa thuận này. Đến năm 2017, Tổng thống Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi TPP và các quốc gia còn lại vẫn ký kết một bản thỏa thuận mà không có Mỹ.

Vụ rò rỉ thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ

Theo các cáo buộc từ văn phòng công tố viên đặc biệt Robert Mueller, các quan chức tình báo quân sự Nga đã bẻ khóa và tải xuống các tài liệu từ các máy chủ của đảng Dân chủ và một hacker tên là Guccifer 2.0 đã công khai một số tài liệu này trong suốt chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Guccifer 2.0 sau đó chuyển các thông tin này cho WikiLeaks, hai bên đã gặp một số khó khăn trong việc chuyển giao dữ liệu cho tới ngày 22/7/2016, WikiLeaks đã đăng tải dữ liệu về các email của đảng Dân chủ.

Julian Assange nhận định với CNN rằng việc công khai các email này trùng với thời điểm bắt đầu diễn ra Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ. 20.000 email được công khai dường như cho thấy ủy ban đảng Dân chủ đang "thiên vị" bà Clinton hơn so với ông Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống Mỹ.

Sau đó, vào tháng 10/2016, WikiLeaks tiếp tục đăng tải hàng chục nghìn email của người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Clinton là ông John Podesta.

Ông Mueller đã cáo buộc 12 điệp viên Nga đứng đằng sau vụ xâm nhập và công khai các email này vào tháng 7/2018 mặc dù không có ai bị bắt giữ và Nga cũng không có động thái nào sẽ dẫn độ công dân.

“Quả bom” Vault 7 tiết lộ thông tin mật về CIA

Suốt năm 2017, WikiLeaks đã công khai một số tệp tài liệu mật của CIA với những thông tin chi tiết về một số công cụ theo dõi tinh vi của cơ quan này.

Tháng 6/2018, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội sĩ quan Josh Schulte của CIA làm rò rỉ các thông tin quốc phòng quốc gia sau khi ông này liên quan đến một cuộc điều tra khác về khiêu dâm trẻ em. Schulte vẫn chưa nhận tội và vụ án vẫn đang được làm rõ.

Theo VOV