Các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện hôm 26/1 cố gắng chặn đứng phiên tòa luận tội lần 2 đối với ông Trump trước cả khi nó bắt đầu. Cụ thể, Thượng nghị sĩ Rand Paul đã thúc ép một cuộc bỏ phiếu theo thủ tục về tính hợp hiến của việc tiến tới một phiên tòa luận tội sau khi tổng thống mãn nhiệm và trở thành một công dân bình thường.

{keywords}
Cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: NBC

Theo tạp chí Time, động thái này tạo cơ hội cho các chính khách cùng đảng Cộng hòa tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với ông Trump, người đã bị Hạ viện hôm 13/1 luận tội vì cáo buộc kích động bạo loạn, cũng như cố gắng chặn đứng các nỗ lực của phe Dân chủ nhằm kết tội ông. “Nếu hơn 34 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống lại tính hợp hiến của thủ tục tố tụng, toàn bộ chuyện này chấm hết khi đến Thượng viện”, ông Paul phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Paul đã thất bại hoặc ít nhất một phần không thành công. Với 55 phiếu ủng hộ và 45 phiếu chống, các thượng nghị sĩ Dân chủ cùng 5 nhà lập pháp Cộng hòa "phản Trump" đã bỏ phiếu bác bỏ nỗ lực của nghị sĩ Cộng hòa này, nên phiên tòa luận tội cựu lãnh đạo Nhà Trắng sẽ tiếp tục được triển khai như kế hoạch.

Các thượng nghị sĩ hiện sẽ phải cân nhắc xem liệu ông Trump có phạm tội kích động đám đông biểu tình tràn vào tòa nhà quốc hội trên Đồi Capitol ngày 6/1 hay không. Song, kết quả của phiên tòa có thể dự đoán được, khi cuộc bỏ phiếu hôm 26/1 cho thấy đảng Dân chủ gần như không thể giành đủ 2/3 số phiếu bầu cần thiết để kết tội.

Nỗ lực của phe Dân chủ

Hai cây bút bình luận Tessa Berenson và Lissandra Villa lưu ý, luôn có rào cản lớn đối với những nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm kết tội ông Trump, tương tự như trong phiên luận tội lần đầu tiên. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Dân chủ đã chọn tiếp tục với việc luận tội và tổ chức phiên tòa nhằm buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm về những gì lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer gọi là "hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất mà một Tổng thống Mỹ từng phạm phải".

Trong trường hợp ông Trump bị kết tội, Thượng viện sẽ mở ra khả năng cấm cựu tổng thống nắm giữ các chức vụ trong chính quyền liên bang trong tương lai. Nhưng ngay cả khi ông được tha bổng, Thượng viện sẽ công bố các lập luận đặt ra tiền lệ về giới hạn phát ngôn của vị tổng tư lệnh và ông Trump vẫn sẽ bị ghi danh vào lịch sử Mỹ như vị lãnh đạo Nhà Trắng duy nhất từng bị luận tội tới 2 lần.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin, một chính trị gia Dân chủ đến từ Tây Virginia chia sẻ với báo giới rằng, luận tội là cách thích hợp duy nhất để buộc cựu tổng thống phải chịu trách nhiệm về hành vi "kích động bạo loạn".

Về mặt lý thuyết, hành vi dẫn đến vụ luận tội lần hai chống ông Trump rõ thấy hơn so với những gì khiến ông bị luận tội lần đầu. Vụ luận tội ông Trump năm 2019 tại Hạ viện và phiên tòa tiếp theo cũng như tuyên bố trắng án tại Thượng viện vào đầu năm sau dựa vào một loạt nhân vật khắp toàn cầu, một mê cung các mối quan hệ và những cuộc thương lượng sau hậu trường giữa Ukraina và những người thân cận ông Trump cũng như một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của Hạ viện.

Lần này, nhiều nghị sĩ trong đảng Dân chủ đóng vai trò bồi thẩm viên tin rằng, quá trình xét xử sẽ nhanh hơn vì lượng bằng chứng nhiều khả năng được đệ trình đều đã công khai. Điều khoản luận tội của Hạ viện cáo buộc cựu tổng thống “cố tình đưa ra những tuyên bố khuyến khích và có thể dẫn đến hành động trái pháp luật xảy đến sau đó trên đồi Capitol”, thông qua những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử, kích động đám đông người ủng hộ.

Các chứng lý

Hiến pháp Mỹ định nghĩa các sai phạm có thể bị luận tội là “trọng tội và tội nhẹ”. Trong khi vẫn có một số tranh luận về điểm này, đông đảo ý kiến nhất trí rằng một "trọng tội" bị luận tội không nhất thiết là tội có khả năng bị truy tố về mặt pháp lý. Nói cách khác, việc một tòa án thông thường quyết định liệu ai đó có phạm pháp vì kích động bạo lực hay không có thể dẫn đến kết luận khác so với với việc Thượng viện quyết định liệu tổng thống có vi phạm các trọng trách của mình khi đương nhiệm hay không.

Trong số các bằng chứng mà đảng Dân chủ có thể đưa ra là những phát biểu của ông Trump trước những người biểu tình vào đêm 5/1 ngay trước ngày diễn ra vụ bạo loạn. Tổng thống sắp mãn nhiệm lúc đó tuyên bố với đám đông người ủng hộ rằng: “Các bạn sẽ không bao giờ khôi phục lại đất nước của chúng ta bằng sự yếu kém. Các bạn phải thể hiện sức mạnh và các bạn phải mạnh mẽ". Ông cổ vũ họ "chiến đấu" và nói rằng Mỹ đang "bị vây hãm": "Tôi biết rằng mọi người ở đây sẽ sớm diễu hành đến tòa nhà Quốc hội để khiến cho tiếng nói của bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước".

Một số luật sư đứng về phía cựu tổng thống lập luận rằng, các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất, vốn có thể áp dụng với những phát biểu của ông Trump, sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong phiên tòa và có thể mang đến căn cứ biện hộ mạnh mẽ.

“Những từ ngữ Tổng thống (Trump) thực tế sử dụng, kể cả trong trường hợp trước mặt hàng chục nghìn người biểu tình ủng hộ, đã không đạt tiêu chuẩn cấu thành hành vi kích động bạo loạn. Những từ ngữ mà các đối thủ viện dẫn là dạng chứng lý yếu nhất. Đó là những từ ngữ mọi chính trị gia đều sử dụng trong bất kỳ cuộc chạy đua chính trị nào trong lịch sử Mỹ", một cựu quan chức Nhà Trắng thời ông Trump nhấn mạnh.

Tiêu chuẩn pháp lý cho tội kích động phạm pháp hoặc bạo lực được xác lập lần đầu tiên trong một vụ việc tại Tòa án tối cao năm 1969 - vụ Brandenburg chống Ohio. Theo phán quyết trong trường hợp đó, lời nói được xác định có tính chất kích động phạm tội phải đáp ứng 3 tiêu chí gồm người nói có ý định xúi giục hành động trái pháp luật, các hành động trái pháp luật nhiều khả năng xảy ra và các hành động trái pháp luật sắp xảy đến.

Các đồng minh của ông Trump cho rằng, hành vi của ông không đáp ứng được cả 3 tiêu chí trên. Robert Ray, một thành viên trong nhóm pháp lý của ông Trump tại phiên tòa luận tội năm 2020 cho biết: “Tôi không nghĩ ông ấy (Trump) có ý định khiến bất kỳ ai bị làm hại".

Tuy nhiên, ngay cả nếu các thượng nghị sĩ nhất trí rằng các hành vi của ông Trump không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý về tội kích động bạo loạn, họ vẫn có thể quyết định kết tội cựu tổng thống tại phiên tòa.

Báo New York Times dẫn lời Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins tiết lộ, bà sẽ không "phán xét trước" các bằng chứng do Hạ viện đệ trình. Nếu căn cứ vào kết quả bỏ phiếu nhằm chặn phiên tòa luận tội ông Trump ở Thượng viện hôm 26/1, bà Collins tin khó có khả năng cựu tổng thống sẽ bị kết tội.

Toàn cảnh cuộc khủng hoảng trên Đồi Capitol ở Mỹ

Tuấn Anh

Vấn đề hóc búa trong phiên tòa luận tội ông Trump

Vấn đề hóc búa trong phiên tòa luận tội ông Trump

Lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm tồn tại, Thượng viện Mỹ đưa một cựu tổng thống ra xét xử luận tội. Không ai biết chắc phiên tòa sẽ diễn ra thế nào. Đảng Dân chủ thậm chí chưa quyết có triệu tập nhân chứng hay không.

Ông Trump sắp bị Thượng viện Mỹ kết tội?

Ông Trump sắp bị Thượng viện Mỹ kết tội?

Lần thứ 2, Hạ viện Mỹ luận tội cựu Tổng thống Donald Trump và lần này là về cuộc bạo loạn chết người ở đồi Capitol ngày 6/1.