Những tín hiệu tích cực ban đầu
Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Bên cạnh đó, nghị định tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.
Đa số các chuyên gia có đánh giá tích cực về nghị định này theo hướng giảm áp lực cho các nhà phát hành.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập CTCP FIDT, đánh giá, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ phản ứng rất tích cực vì đang “nắng hạn” lại gặp “mưa rào”, đặc biệt khi đa phần nhà đầu tư cá nhân thuộc nhóm đầu cơ.
Kênh hút vốn quan trọng
Ông Bùi Tiến Đức - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Mirae Asset, cho rằng, thị trường trái phiếu bị khủng hoảng niềm tin. Sau vụ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát chưa xử lý được, giới đầu tư đang e dè đối với loại sản phẩm tài chính này. Điều đó khiến các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, không thể phát hành tiếp trái phiếu để thanh toán cho các lô trái phiếu đáo hạn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu và sử dụng vốn sai mục đích, như cho xây dựng cơ bản, đi M&A các quỹ đất,...
Khi thị trường trái phiếu bị đổ vỡ niềm tin thì không có nguồn quay vòng. Còn khi ngân hàng thắt chặt tín dụng và lãi suất lên cao thì các doanh nghiệp bất động sản lại bị ứ đọng hàng tồn kho. Khi vấn đề pháp lý bị siết chặt thì không có tài sản đảm bảo. Ba yếu tố này gây ra sự tắc nghẽn dòng tiền, dẫn tới câu chuyện trễ hạn gốc và lãi như đã thấy.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho hay trên thế giới, trái phiếu là một kênh hút vốn quan trọng. Ở Mỹ, tỷ trọng vốn từ trái phiếu còn lớn hơn kênh cho vay ngân hàng. Tại Việt Nam, để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh, ngoài vay ngân hàng, kênh trái phiếu là hình thức huy động vốn phổ biến và có nhiều lợi thế: về kỳ hạn, lãi suất,...
Tuy nhiên, kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng từ nửa cuối năm 2022 tới nay.
Trong nước, nhiều nhà đầu tư đang đánh đồng các trái phiếu với nhau. Trong khi đợt khủng hoảng lần này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bất động sản, một ngành thường chịu rủi ro về bong bóng tài sản, chu kỳ tín dụng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và ngành có dòng tiền đều và ổn định đang bị đánh đồng như: tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng, logistics,... Bên cạnh đó, nhiều người cũng đánh đồng giữa trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng.
Với Tập đoàn Masan, phần lớn trái phiếu của doanh nghiệp này là trái phiếu phát hành ra công chúng, đi qua quy trình công bố thông tin và chấp thuận của cơ quan chức năng liên quan. Trái phiếu phát hành ra công chúng có tính an toàn hơn các trái phiếu phát hành riêng lẻ khác.
Trong năm 2022, Masan đã huy động được trái phiếu và vay khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD thành công, bất chấp các biến động của thị trường. Khoản vay hợp vốn được bảo lãnh phát hành và thu hút 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký vượt mức. Masan cũng đang triển khai và đã có cam kết từ các ngân hàng quốc tế để tiếp tục triển khai khoản vay hợp vốn trị giá 650 triệu USD để tiếp tục giữ vững thanh khoản, mở rộng hoạt động kinh doanh.
“Chọn mặt gửi vàng” khi lựa chọn kênh đầu tư trái phiếu
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup, cho rằng, việc tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023 là điều tốt.
Theo ông Thuân, nếu trái phiếu phát hành có chất lượng hơn và minh bạch hơn để nhà đầu tư cá nhân quay lại. Hy vọng một số nhà đầu tư cá nhân "ít" tiền chứng khoán (<2 tỷ đồng) nhưng nhiều tiền tiết kiệm có thể tham gia lại thị trường. Nhưng làm sao lãi suất phải đủ cao cho phần bù rủi ro hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư nên cân nhắc cẩn trọng các kênh đầu tư, nếu đầu tư vào trái phiếu nên chọn các trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, uy tín.
Còn về vấn đề trái phiếu không có tài sản đảm bảo, thực tế trên thế giới cho thấy, yếu tố quan trọng nhất tác động đến mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp phải là uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, gắn liền với khả năng tạo ra dòng tiền thực sự từ doanh thu, lợi nhuận để có thể trả được gốc, lãi trái phiếu.
Nếu chỉ trông vào tài sản đảm bảo mà không chú ý đến uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành, thì nhà đầu tư rất dễ gặp rủi ro lớn, vì xử lý tài sản đảm bảo luôn chỉ là lựa chọn bắt buộc cuối cùng khi doanh nghiệp phát hành bị rơi vào tình trạng thực sự khó khăn.
Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, để ổn định và phục hồi niềm tin cho thị trường, chúng tôi cho rằng cần thực hiện một số việc như sau:
Tăng tính minh bạch: Để lấy lại niềm tin nhà đầu tư, trước hết việc cung cấp thông tin về các khoản đầu tư trái phiếu cần phải được rõ ràng và minh bạch. Thông tin liên quan đến tình hình tài chính của các công ty phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng vốn, tài sản bảo đảm, rủi ro đầu tư và các chỉ số tài chính khác cần được công bố một cách rõ ràng và kịp thời. Vai trò giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng để thực thi mục tiêu này.
Thu hút nhà đầu tư: Nhà đầu tư có thể được khuyến khích đầu tư vào thị trường trái phiếu bằng cách tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và giảm các rào cản để tiếp cận đến các lựa chọn đầu tư khác nhau, việc ngưng thi hành một số quy định về NĐT chuyên nghiệp của NĐ 08 là một động thái tích cực hướng đến mục tiêu này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong thị trường hiện nay không có nhiều nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng tham gia trở lại mà vai trò của NĐT tổ chức cần được đề cao hơn.
Theo ông Sơn, cần nới lỏng ngay một số điều kiện của các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, việc này sẽ tạo ra cú hích lớn ngay lập tức về phía cầu và cũng phù hợp với định hướng phát triển của thị trường về lâu dài.
Chính sách nhất quán: Rõ ràng việc liên tục thay đổi các quy định về thị trường trái phiếu trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến các bên đều ngần ngại quay trở lại thị trường, do đó cơ quan quản lý nhà nước cần có sự nhất quán với lộ trình chính sách, giảm tần suất sửa đổi và tạo môi trường pháp lý ổn định hơn.