Tích cực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Vùng biển Ninh Bình được đánh giá là vùng tập trung đa dạng sinh học cao, là nơi bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài hải sản nằm khu vực có độ sâu khoảng 15m nước. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình có trên 150 km sông lớn, gồm sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc, là nơi tập trung các bãi đẻ, bãi giống thủy sản...

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, sản lượng khai thác tự nhiên trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu suy giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động khai thác thủy sản chưa hợp lý, môi trường nguồn lợi thủy sản ô nhiễm dẫn đến nguồn lợi thủy sản vùng ven biển, vùng nội đồng có nguy cơ cạn kiệt. 

W-tai-tao-thuy-san-ninh-binh-1.jpg
Ninh Bình tăng cường thả con giống nhằm khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức.

Để phát triển kinh tế biển bền vững, tỉnh Ninh Bình cần có giải pháp quản lý, bảo tồn và phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại các các thuỷ vực trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, hàng năm, hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn thủy sản được các cấp, ngành, địa phương ở Ninh Bình tổ chức, góp phần quan trọng trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức. 

Tính từ năm 2020 đến năm 2022, tỉnh đã tiến hành thả trên 54 nghìn con giống các loại xuống các vùng nước tự nhiên của tỉnh. Qua đó khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, quan tâm khôi phục và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các vùng, bãi sinh sản, nơi tập trung các loài thủy sản còn non trong mùa sinh sản.

Những tháng đầu năm 2023, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tiến hành thả đợt hàng chục nghìn cá thể giống. 

Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ, hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, việc thả cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản là một trong những biện pháp phục hồi, tái tạo lại các loài thủy sản đang bị suy giảm. 

Khai thác thuỷ sản an toàn, bền vững

Bên cạnh việc thả giống tái tạo nguồn thủy sản, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tỉnh Ninh Bình cũng đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản. 

Theo báo cáo của Chi Cục thủy sản, tỉnh Ninh Bình hiện có trên 470 phương tiện khai thác thủy sản trên các vùng biển và trên sông lớn. Trong đó, các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên sông và vùng nội đồng có khoảng trên 400 chiếc; có 65 tàu (chủ yếu là tàu cỡ nhỏ) hoạt động ở vùng biển ven bờ làm nghề kéo moi, lồng bẫy, lưới rê và có 8 tàu cá có chiều dài trên 15m hoạt động vùng biển xa bờ Vịnh Bắc bộ. 

Để tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình ban hành các văn bản quy định nhằm tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó đặc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản.

Đồng thời, huy động các lực lượng như kiểm ngư, Biên phòng, Công an… cùng các địa phương tổ chức kiểm tra thường xuyên trên sông, biển, nhờ đó đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định, ngăn chặn tình hình sử dụng xung điện, chất nổ và chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển, khu vực biên giới biển tỉnh Ninh Bình.

Nhằm bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ngư dân, tháng 4/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản định kỳ 5 năm đến năm 2030. 

Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh theo định kỳ 5 năm (giai đoạn 2024-2025; giai đoạn 2026-2030) và điều tra nghề cá thương phẩm hàng năm đến năm 2030, triển khai thống nhất phạm vi các thủy vực của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, khoa học, có tính kế thừa, tích hợp với các chương trình, đề án hiện có, nâng cao hiệu quả công tác điều tra. 

Bạch Hân và nhóm PV, BTV