Rừng ngập mặn là giải pháp tự nhiên tối ưu để giải quyết biến đổi khí hậu - vấn đề cấp bách và quan trọng nhất mà nhân loại đang đối mặt. Nó không chỉ là nguồn hấp thụ carbon khổng lồ mà còn là nơi sinh sản và phát triển cho các loài sinh vật biển, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khỏi thiên tai, bão lũ...
Nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ, Ninh Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn… đã và đang gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng ven biển huyện Kim Sơn.
Là tỉnh có đường bờ biển ngắn, chỉ dài 18 km, thuộc huyện Kim Sơn, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn. Vùng bãi bồi biển Kim Sơn có tốc độ bồi lắng khoảng 80-100m mỗi năm.
Nhận thức được vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong việc bảo vệ đê biển, thiên nhiên, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp bảo vệ, khôi phục và quản lý bền vững rừng ngập mặn.
Từ khi Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư khóa XII về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" được ban hành, đặc biệt là hưởng ứng phong trào "Trồng một tỷ cây xanh vì Việt Nam xanh", hoạt động trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển tại Ninh Bình đã được thực hiện quy củ hơn, gắn với trách nhiệm của mỗi cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, cũng như huy động sự tham gia nhiệt tình của người dân, nhất là người dân sinh sống tại các khu vực ven biển như: Kim Đông, Cồn Thoi, Bình Minh của huyện ven biển Kim Sơn...
Trong những năm qua, đã có rất nhiều chương trình, dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai thực hiện như: Dự án “Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình thực hiện; dự án “Trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu và chống xói lở bờ biển” do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; dự án “661 trồng mới 5 triệu ha rừng” do Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện; dự án trồng rừng thay thế từ kinh phí của Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Ninh Bình… Và tính đến hết năm 2017 đã có hơn 500ha rừng được trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, tiến hành trồng hàng trăm ha rừng ngập mặn.
Mới nhất là vào đầu tháng 2/2023, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án Lâm nghiệp tổ chức Lễ khởi động trồng rừng trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc KFS).
Dự án Phục hồi và Quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng có tổng nguồn vốn đầu tư là 4,392 triệu USD, tương đương 103, 212 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc 3,792 triệu USD tương đương 89,112 tỷ đồng. Dự án sẽ trồng mới 250 ha, phục hồi 80 ha rừng ngập mặn tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (tỉnh Nam Định) và khu vực huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình); thiết lập vườn ươm cây giống cây rừng ngập mặn tại Kim Sơn; trồng mới, trồng bổ sung rừng ngập mặn 330 ha; hỗ trợ phát triển sinh kế; đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông và tham quan học tập; hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ rừng.
Không chỉ tham gia trồng rừng, việc bảo vệ rừng cũng được các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm ngặt. Các hoạt động bảo vệ rừng cũng được các lực lượng, đoàn thể, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện thông qua việc tổ chức thu gom rác thải, làm sạch biển như: Chiến dịch "Hãy làm sạch biển"; phong trào "Ngày thứ 7 xanh - Ngày chủ nhật sạch"; các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6)… đã cơ bản đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần vào công tác bảo vệ rừng và môi trường biển.
Đối với huyện Kim Sơn, hàng năm, UBND huyện đều thực hiện tốt việc tổ chức trồng mới diện tích rừng theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh giao và theo quy định của Tổng cục Lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ của rừng. Toàn bộ diện tích rừng trồng được các chủ rừng ký hợp đồng bảo vệ với các hộ nhận khoán theo quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ.
Đồng thời, công tác bảo vệ rừng cũng được thực hiện nghiêm ngặt, các chủ rừng thường xuyên phối hợp với các hộ nhận khoán, Hạt Kiểm lâm Kim Sơn, chính quyền địa phương các xã có rừng tuần tra, kiểm soát, không để tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng xảy ra.
Nhờ đó, sau gần 20 năm nỗ lực trồng rừng và bảo vệ rừng, đến nay, rừng ngập mặn Kim Sơn không còn những bãi triều trơ trọi, thay vào đó được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây sú, vẹt… tạo nên những cánh rừng che chắn vững chãi trước biển khơi.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, hiện vùng biển Kim Sơn đã trồng được khoảng 615 ha rừng ngập mặn. Từ đó, giúp phát huy hiệu quả rừng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ các tuyến đê biển; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...