Gặp khó vì Covid-19

Vải thiều – loại trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Năm 2019, người nông dân thu được khoảng 6.000 tỷ đồng nhờ bán loại trái cây này. Thế nhưng, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch 2020, vải thiều lại đối diện với hàng loạt khó khăn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), vải thiều Trung Quốc bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 4, kết thúc vào cuối tháng 8. Điều đáng lo lắng, năm nay khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ được thu hái từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều Việt Nam. Chưa kể, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ ổn định trở lại, nguồn cung tăng.

Theo số liệu của Hiệp hội Vải thiều Quảng Đông, 99% vải tươi Trung Quốc bán trong nội địa, chỉ khoảng 1% là xuất khẩu. Trong đó, 65% được xuất khẩu từ Quảng Đông, 30% từ Hải Nam.

{keywords}
Vải thiều - loại trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương và Bắc Giang

Ngoài ra, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa. Trung Quốc cũng điều chỉnh thời gian thông quan đối với hoạt động trao đổi cư dân biên giới, khiến nhiều xe hàng bị ách tắc tại cửa khẩu, trong đó chủ yếu là trái cây và nông sản.

Không chỉ tại gặp khó tại thị trường Trung Quốc – thị trường xuất khẩu truyền thống của quả vải thiều Việt Nam, việc mở cửa thị trường Nhật Bản cũng gặp trở ngại vì dịch Covid-19.

Theo đó, đầu tháng 5 vừa qua, trong văn bản Bộ Công Thương gửi hai Sở Công Thương Hải Dương và Bắc Giang nêu rõ, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do ảnh hưởng dịch bệnh.

Do vậy, "cửa" xuất khẩu vải tươi Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gần như đã đóng trong vụ thu hoạch vải năm nay.

Nỗ lực để quả vải thông thương, mở thêm thị trường mới

Trước đó, để nhận được cái gật đầu từ phía Nhật Bản, trong suốt 4 năm qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với MAFF làm các thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật. Đến ngày 15/12/2019, MAFF đã đồng ý với Bộ NN-PTNT điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo quy định, trước khi xuất khẩu cần kiểm tra để đăng ký cho các cơ sở khử trùng đủ điều kiện thực hiện công tác khử trùng vải xuất khẩu. Cơ quan kỹ thuật của 2 Bộ liên tục trao đổi, giải đáp các vấn đề về kỹ thuật khử trùng, kiểm dịch thực vật.

Với quyết đưa quả vải thiều sang thị trường Nhật Bản, ngay sau khi nhận được thông tin MAFF không thể cử chuyên gia sang Việt Nam vì Covid-19, Cục Bảo vệ thực vật đã họp trực tuyến với phía Nhật Bản bàn giải pháp thực hiện để lô hàng vải tươi đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020 được thực hiện đúng tiến độ.

{keywords}
Các cơ quan chức năng đang nỗ lực gỡ khó cho quả vải thiều để thuận lợi tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu

Ngày 28 tháng 5 vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid 19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt, không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

Nhờ những nỗ lực đàm phán từ phía cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở NN- PTNT của hai tỉnh để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian Chuyên gia Kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại hai tỉnh này theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo.

Theo quy định của MAFF, chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã báo cáo kế hoạch xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều cho hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Cụ thể, ngày 6/3, tại Bắc Giang sẽ có hội nghị xúc tiến vải thiều trực tuyến. Theo đó, tại điểm cầu Bắc Giang sẽ có khoảng 300 đại biểu tham dự gồm các cơ quan bộ ngành, đại diện các hệ thống siêu thị. Ngoài ra, còn có các điểm cầu khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh…

Đáng chú ý, bên cạnh những điểm cầu trong nước, hội nghị lần này còn có điểm cầu trực tuyến với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Các điểm cầu tại Trung Quốc có sự tham gia của lãnh đạo Sở Thương mại 2 tỉnh, Tổng Lãnh sự quán tại Nam Ninh và Côn Minh; Tham tán thương mại Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam; đại diện lãnh đạo chính quyền nhân dân thị Bằng Tường, Hà Khẩu và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu…

Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), song phải đảm bảo quy định cách ly phòng dịch Covid 19.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2020 sản lượng vải thiều dự kiến đạt 220.000 tấn, tập trung chủ yếu ở tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ 15/6 đến khoảng 20/7 sẽ kết thúc. Tại tỉnh Bắc Giang, hoạt động mua bán vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc đã bắt đầu, việc thông thương đều thuận lợi.

Hải Băng