Là một trong những quốc gia sớm ý thức được những hệ quả và tác hại do hoạt động rửa tiền mang lại, Việt Nam đã rất tích cực trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh về vấn đề này nhằm kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiệu quả các hành vi rửa tiền.
Cụ thể, vào ngày 18/6/2012, Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Luật Phòng, chống rửa tiền đã giúp góp phần minh bạch hóa nền tài chính tiền tệ quốc gia, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Đặc biệt, Luật Phòng, chống rửa tiền đã đạt được một số kết quả nhất định: Đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền và mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền so với Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời, Luật Phòng, chống rửa tiền còn tạo căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền ngày càng thuận lợi và sâu rộng.
Luật Phòng, chống rửa tiền đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiến đến việc thực hiện đầy đủ các chuẩn mực, cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền mà Chính phủ nước ta đã ký kết và tham gia.
Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đáp ứng các hành động được nêu trong Kế hoạch hành động mà FATF đưa ra cho Việt Nam. Tại Hội nghị toàn thể của FATF, Chính phủ Việt Nam đã cam kết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, hoạt động phòng, chống rửa tiền còn được Nhà nước ta quy định cụ thể trong Nghị định, Thông tư và các văn bản có liên quan. Tiêu biểu như đối với Nghị định, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP).
Theo đó, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống rửa tiền, các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.
Đối với Thông tư, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 20/2019/TT-NHNN). Thông tư này quy định về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; nội dung, hình thức các báo cáo: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; mức giá trị của kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan.
Ngoài ra, hành vi rửa tiền trái pháp luật còn được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự. Theo đó, tội rửa tiền lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 với tội danh Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 1999. Đến nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định tội Rửa tiền tại Điều 324 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 122, Điều 1 Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015).
Trong lần sửa vừa qua, Bộ luật Hình sự đã mở rộng yếu tố cấu thành tội rửa tiền hơn so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2008. Theo luật cũ, người phạm tội phải biết rõ tài sản là do phạm tội mà có, từ đó, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ cần có đủ cơ sở để biết tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp mà cố ý thực hiện che giấu nguồn gốc của tài sản đó thì đã bị coi là phạm tội rửa tiền. Đây được xem là một bước tiến đúng đắn trong nỗ lực phòng, chống tội phạm rửa tiền, hạn chế việc bỏ sót tội phạm.