Rửa tiền là một hành vi phạm tội nguy hiểm, phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế và đẩy lùi sự phát triển của quốc gia. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hành vi rửa tiền càng trở nên tinh vi và phức tạp. Điều này đòi hỏi cần phải có những biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các biện pháp pháp lý để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền.
Tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá những vấn đề thực trạng bất cập trong quy định và thực thi pháp luật điều chỉnh về phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số, 2 tác giả Trần Linh Huân (Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) và Bạch Ngọc Vân (Trợ lý pháp lý, Công ty Luật TNHH PwC Việt Nam) đã nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số như sau:
Đối với hầu hết các quốc gia, phòng, chống rửa tiền được xem là một trong những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, bởi rửa tiền chính là việc gửi tiền bất hợp pháp qua các kênh hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc phạm tội. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính, tổng số tiền được rửa trên thế giới có thể dao động ở mức 2 - 5% GDP toàn cầu. Theo số liệu thống kê, từ năm 1996 con số phần trăm đó đã tương đương khoảng 590 tỷ USD đến 1500 tỷ USD1. Do đó, nếu xét theo bất kỳ một con số ước tính nào thì vấn đề này cũng vô cùng nghiêm trọng và đáng để mỗi quốc gia phải dành sự quan tâm thật đầy đủ.
Đặc biệt hơn, khi ngày nay, nền kinh tế số ngày càng phát triển, tội phạm rửa tiền đã tận dụng điều này để làm gia tăng hành vi rửa tiền bất hợp pháp trở nên phức tạp hơn. Sự phát triển của công nghệ cho phép mọi người tiếp cận hầu hết mọi cơ hội thông qua Internet, tuy nhiên, điều này cũng đã giúp cho đối tượng rửa tiền bất hợp pháp thực hiện các giao dịch rửa tiền mà không cần đến ngân hàng để xác minh danh tính bởi người thực sự truy cập vào tài khoản tổ chức tài chính có thể ẩn danh tính của mình với hệ thống này.
Hơn nữa, giao dịch có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào. Càng ngày càng có nhiều tội phạm lạm dụng công nghệ cao để thực hiện những hoạt động phi pháp và rửa các khoản tiền bất chính này bằng công nghệ. Với tính bảo mật cao và tài sản dưới dạng số, thông tin về tổ chức hay cá nhân xác lập giao dịch và chủ sở hữu hưởng lợi thực sự đằng sau các giao dịch không tìm được dễ dàng chính là những điểm mà công nghệ cao bị lạm dụng để rửa tiền.
Những đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền có thể thực hiện thành công phần lớn là do các đối tượng này có thể che đậy được nguồn gốc của tất cả các khoản tiền và rửa sạch những đồng tiền đó bằng cách dịch chuyển chúng qua các hệ thống tài chính quốc gia và thế giới. Rửa tiền có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào nhưng hành vi này gây ra những hậu quả về mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt đáng kể cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bởi vì những quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng thường là những thị trường nhỏ, dễ bị tổn thương hơn trước những tác động của tội phạm rửa tiền.
Những ảnh hưởng tiêu cực mà tội phạm rửa tiền có thể gây ra cho các nước đang phát triển có thể kể đến là:
Một là, gia tăng tội phạm và tham nhũng. Có thể nói, việc rửa tiền thành công đồng nghĩa với việc các hoạt động phạm tội có thể sinh lợi và mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho tội phạm. Do đó, một đất nước còn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho hoạt động rửa tiền thì khi đó vẫn còn có nhiều khả năng nước đó có sức lôi cuốn tội phạm và thúc đẩy tham nhũng. Nếu hoạt động rửa tiền trở nên phổ biến tại một quốc gia, thì sẽ tạo ra nhiều tội phạm và tham nhũng hơn. Điều này cũng làm gia tăng tình trạng sử dụng hối lộ để mở những cửa ngõ quan trọng cho thành công của những nỗ lực rửa tiền.
Hai là, tác động xấu đến mối quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài. Nếu một quốc gia vướng phải tai tiếng về một nơi ẩn náu an toàn cho hoạt động rửa tiền thì cũng gây ra ảnh hưởng bất lợi đáng kể cho sự phát triển của quốc gia đó. Các tổ chức tài chính nước ngoài có thể quyết định hạn chế các giao dịch của mình với những tổ chức là nơi ẩn náu an toàn cho rửa tiền phi pháp; yêu cầu những giao dịch phải qua sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao hơn, khiến chi phí các giao dịch gia tăng. Những doanh nghiệp hợp pháp hoạt động trong quốc gia lỏng lẻo các tiêu chuẩn về phòng, chống rửa tiền cũng sẽ bị giảm khả năng tiếp cận thị trường thế giới hoặc phải tiếp cận với chi phí đắt đỏ hơn do phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ba là, làm suy yếu các tổ chức tài chính. Rửa tiền gây nguy hại bằng nhiều cách cho sự lành mạnh khu vực tài chính của một quốc gia cũng như sự ổn định của mỗi tổ chức tài chính. Những hậu quả tiêu cực tác động đến các tổ chức tài chính được coi là rủi ro về mặt uy tín, nghiệp vụ, pháp lý. Mỗi rủi ro đều gây ra những chi phí cụ thể như mất đi hoạt động kinh doanh sinh lợi, những vấn đề về tính thanh khoản do việc rút tiền gây ra, cắt đứt các cơ sở ngân hàng đại lý, các chi phí điều tra và tiền phạt, thu giữ tài sản, tổn thất cho vay, giảm giá trị cổ phiếu của các tổ chức tài chính.
Bốn là, làm nền kinh tế và khu vực tư nhân bị tổn thương. Hành vi rửa tiền bằng cách thức sử dụng “các công ty bình phong” là những công ty với vẻ bề ngoài hợp pháp và tham gia vào hoạt động kinh doanh hợp pháp nhưng thực tế lại là những công ty trá hình của những kẻ phạm tội. Những "công ty bình phong" này hòa trộn các quỹ phi pháp với các quỹ hợp pháp để che giấu những khoản tiền bất chính. Khả năng tiếp cận của các công ty trá hình tới những quỹ phi pháp cho phép chúng bao cấp các sản phẩm và dịch vụ của công ty, thậm chí với giá cả thấp hơn giá thị trường. Do đó, những doanh nghiệp hợp pháp sẽ khó mà cạnh tranh lại với những công ty trá hình này, bởi mục tiêu duy nhất của chúng là bảo toàn và bảo vệ những khoản tiền thu lợi bất chính chứ không phải tạo ra bất kỳ khoản lợi nhuận nào khác.
Hành vi rửa tiền ngày càng gia tăng và phức tạp hơn rất nhiều dưới sự phát triển của khoa học công nghệ và nền kinh tế số. Hành vi rửa tiền không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính của một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ trên thị trường quốc tế và đầu tư nước ngoài. Do đó, sự cần thiết của hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số là vô cùng cấp bách và quan trọng đối với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định số 1945/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm góp phần xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT) có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG), phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong APG; góp phần bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT của quốc gia, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCRT trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và hợp tác trong nước trên cơ sở thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và đầu mối xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm giải quyết những rủi ro rửa tiền được phát hiện theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát về PCRT đối với các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
V.V...
Thu Hằng, Bình Minh, Minh Hưng