Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mở rộng thị trường lao động trong các nước ASEAN; thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực phúc lợi xã hội được thực hiện trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách về Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) cũng được Việt Nam chú trọng triển khai. Việt Nam đã phát huy vai trò của mình trong việc lồng ghép các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy an sinh xã hội, dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, phát triển nghề công tác xã hội trong các kế hoạch hoạt động, ưu tiên chung của khu vực.

W-cong-dong.png
Trong lĩnh vực hợp tác, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, Việt Nam là một trong những nước có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật.

Trong lĩnh vực hợp tác, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, Việt Nam là một trong những nước có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, qua đó khẳng định tính chủ động, tích cực của một thành viên trong ASEAN với các hoạt động nổi bật như: có sáng kiến thành lập, tham gia và thúc đẩy hoạt động của Ủy ban Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Việt Nam cũng tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác theo nghĩa vụ thành viên của mình, đồng thời thúc đẩy việc lồng ghép những ưu tiên của ta vào các hoạt động của khu vực như lồng ghép giới trong các lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề lao động và việc làm; vấn đề phụ nữ cao tuổi; an sinh xã hội đối với phụ nữ, lao động nữ di cư, phụ nữ tham gia hoạt động chính trị.

Khi cộng đồng ASEAN hình thành, những cơ hội về lao động và xã hội có thể nhận thấy rõ như cơ hội về việc làm, di chuyển lao động có kỹ năng, thúc đẩy, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự trong việc thực hiện các hoạt động theo cam kết khu vực về lao động và xã hội, ngay cả đối với những sáng kiến hoạt động do Việt Nam đề xuất. Ngoài ra, nhận thức của người dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN nói riêng vẫn còn rất thiếu.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN trong hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo sự tham gia và tiếng nói đồng đều của Việt Nam trong tất cả các cơ quan chuyên ngành, các hoạt động theo nghĩa vụ thành viên. Đồng thời, song song với tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa – Xã hộiASEAN nói riêng và về ASEAN nói chung, cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện các cam kết, sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam.

Với những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, lao động, y tế, thanh niên, môi trường, Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như tiến gần hơn tới việc hình thành Cộng đồng. 

Minh Thu và nhóm PV, BTV