Vị trí lắp dàn nóng điều hoà tại những công trình này rất khó tiếp cận. Nhiều lúc, Quang phải đu dây ra ngoài tường ở những độ cao cả trăm mét để làm việc.
Lời tòa soạn:
Đu dây bên ngoài tòa nhà hàng chục tầng để lau kính, ngồi trên tháp cao cả trăm mét so với mặt đất để điều khiển cần cẩu… là những công việc không dành cho người yếu tim.
Báo VietNamNet giới thiệu cùng độc giả tuyến bài “Nghề nguy hiểm” với góc nhìn chân thực về những công việc đầy rủi ro nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng đảm nhận để mưu sinh.
Giữa trưa, căn phòng nhỏ dưới gác mái của anh Trần Hưng (40 tuổi, huyện Bình Chánh, TPHCM) nóng như lò hơi. Anh bật điều hòa ở nhiệt độ thấp nhất nhưng căn phòng vẫn không mát.
Biết máy điều hòa có vấn đề, anh nhấc máy, gọi cho thợ sửa tên Kim Long (37 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) đến kiểm tra.
Anh Long đã làm công việc lắp, sửa chữa máy lạnh hơn 10 năm qua. Anh cho biết, đây là một trong những việc độc hại, nguy hiểm bậc nhất trong các nghề dịch vụ.
Ngoài phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, anh thường xuyên gặp tai nạn lao động.
“Làm nghề này, các tai nạn nghề nghiệp như: đứt tay, đau chân, ngã từ trên cao xuống là chuyện thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ cháy nổ, điện giật, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi…”, anh nói.
Vào ngày nắng nóng cao điểm, công việc của anh Long càng thêm vất vả, nguy hiểm. Lúc này, người thợ phải đứng lâu ở vị trí có điều kiện nhiệt độ chênh nhau rất lớn như dàn nóng, dàn lạnh.
Sự chênh lệch nhiệt độ này nếu diễn ra liên tục có thể khiến người thợ mệt mỏi, thậm chí choáng váng, ngất xỉu…
Vì tính chất công việc, thợ máy lạnh cũng thường xuyên di chuyển, làm việc liên tục trong tình trạng thiếu nước, có khi phải nhịn đói vì cố làm xong cho khách…
Trong khi đó, Hữu Quang (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) lại thấy ái ngại với việc lắp đặt máy lạnh cho khách sạn, chung cư... Mỗi lần như vậy, anh phải vác 4-5 dàn nóng nặng đến 40kg lên tầng cao để lắp đặt.
Vị trí lắp dàn nóng máy lạnh tại những công trình này cũng rất khó tiếp cận. Nhiều lúc, Quang phải đu dây ra ngoài tường ở những độ cao cả trăm mét để làm việc.
Không được phép sai sót
Không chỉ vất vả, thợ sửa chữa, lắp đặt máy lạnh cũng luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm mỗi ngày. Một trong những nguy hiểm phổ biến nhất của thợ sửa chữa, lắp đặt máy lạnh là làm việc tại các khách sạn, nhà cao tầng...
Đối với các công trình này, người thợ thường được yêu cầu lắp đặt, sửa chữa máy lạnh ở những vị trí nguy hiểm, trên cao như: Mái nhà, ban công, tường… Để làm việc, người thợ sử dụng thang, giàn giáo để tiếp cận vị trí lắp đặt, sửa chữa.
Trong nhiều trường hợp, người thợ phải leo trèo, đứng, bám víu ở các vị trí không thực sự an toàn như: Ban công, ô cửa, bờ tường thậm chí phải đu dây ra bên ngoài tường nên thường xuyên đối mặt nguy cơ rơi từ trên cao hàng trăm mét xuống đất.
Không chỉ thế, do phải làm việc trong không gian hẹp như tầng áp mái, tầng hầm, khoảng hẹp giữa 2 tòa nhà… thợ sửa máy lạnh cũng đối diện nguy cơ nhiễm khí độc, ngạt thở….
Anh Long cho biết, công việc của mình thường xuyên phải làm việc trong lúc người khác được nghỉ ngơi. Bởi, những ngày trong tuần khách thường đi vắng nên anh phải tranh thủ làm việc vào sáng sớm, giữa trưa hoặc buổi tối khi khách có mặt ở nhà.
Cuối tuần cũng là lúc công việc dồn dập nhất. Lúc này, anh phải làm việc hết công suất mới kịp phục vụ nhu cầu của khách. “Vất vả là vậy nhưng chúng tôi cũng thường xuyên bị khách hàng hiểu lầm.
Hiện vẫn có một số thợ làm việc không có tâm, kê thêm “bệnh” thậm chí lấy trộm hoặc thay hàng dởm cho khách. Việc này khiến khách hàng mất niềm tin, có cái nhìn thiếu thiện cảm với nghề”, anh Long nói.
Trong khi đó, Quang ám ảnh 2 lần gặp tai nạn nghề nghiệp đáng sợ của mình. Một lần, trong lúc Quang đang cố sửa dàn nóng cho người khách quen thì chiếc máy bất ngờ phát nổ.
Vụ nổ khiến đôi bàn tay Quang gần như dập nát. Đôi mắt anh cũng bị các mảnh vỡ từ vụ nổ văng trúng.
“Lần khác, tôi bất cẩn chạm vào dàn nóng đang rò rỉ điện ở mức nhẹ. Bị điện giật, tôi giật mình buông tay, ngã khỏi thang dẫn đến gãy xương sườn, phải nhập viện điều trị nhiều ngày.
May hôm đó điện rò rỉ nhẹ và tôi không phải làm việc trên cao. Nếu không, tôi có thể đã mất mạng.
Sau tai nạn, tôi nhận ra rằng nghề này không được phép sai sót dù là nhỏ nhất. Nếu không, chắc chắn chúng tôi sẽ đưa mình vào những tình huống nguy hiểm đến tính mạng”, Quang tâm sự.
Trải qua nhiều biến cố, từng có lúc bỏ sang làm nghề khác nhưng rồi trái tim nhiệt huyết vẫn thôi thúc người con đất Lộng Thượng phải giữ nghề đúc đồng truyền thống bằng mọi giá.