Vấn đề đặt ra là, “sau vụ gặt, những cánh đồng trơ gốc rạ là địa điểm được một số người dân chọn để giăng lưới bắt chim”, “có nơi người ta dùng chim thật để làm mồi bẫy…”. 

{keywords}
Vườn chim ở Lý Thành - Yên Thành

Trước tình hình đó, Chi cục đã yêu cầu các hạt kiểm lâm, phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương, cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền “không săn bắt, mua bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã và tổ chức truy quét nạn săn bắt chim di cư”. Bên cạnh việc kịp thời ra thông báo bằng văn bản là việc tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu các hộ ký cam kết không vi phạm các quy định nói trên. Nhờ vậy, tình trạng săn bắt chim di cư hiện nay trên địa bàn đã “hạ nhiệt” đáng kể… 

Phải nói rằng, câu chuyện “không săn bắt, mua bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã” không phải bây giờ mới được đặt ra và kết cục ra sao chúng ta đều biết, và trăn trở! Điều mới ở đây là chuyện cùng bắt tay ngăn chặn tình trạng “săn bắt chim di cư” vào mùa rét, mùa mưa bão hàng năm. 

Đây là việc có thể làm được, làm tốt, chứ không phải là chuyện nói rồi bỏ đó, nói mà không làm hoặc làm qua loa, đại khái. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở “chim di cư” mà tiến tới cả “chim bản địa” “chim tự nhiên” đều phải bảo vệ, gìn giữ, chính là bảo vệ môi trường tự nhiên của thiên nhiên, của con người không chỉ trong một xóm, một xã mà cả huyện, cả tỉnh và cả nước. 

Món quà của người nông dân Nhật Bản 

Có thể điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta chưa cho phép nghĩ được, làm được những việc như người nông dân Nhật Bản thường làm: sau vụ gặt trên những cánh đồng trơ gốc rạ, người ta làm những chòi cao, trên đó là ngô, lúa…- quà của mùa màng dành sẵn cho đàn chim! 

Hay trong công viên ở nước Anh, khi một thân cây mục ruỗng đổ xuống, người ta yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để tạo môi trường sống thuận lợi nhất cho các loài côn trùng! Cũng chưa có chuyện ai muốn chặt cây trong vườn nhà phải làm đơn xin phép chính quyền, chặt một cây thì phải trồng một cây như ở các nước phát triển. 

Có thể do bom đạn chiến tranh, chất độc hóa học của kẻ thù đã hủy hoại những cánh rừng và môi trường, môi sinh ở nhiều nơi, không thể khôi phục lại dễ dàng…Nhưng nói gì thì nói, tình trạng phá rừng, đốt rừng, tình trạng săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã ở nước ta đã để lại nhiều tác hại khôn lường và chính chúng ta phải gánh chịu hậu quả từ sự giận dữ của thiên nhiên. 

Tất nhiên, chúng ta đã có nhiều cố gắng, đã hiểu thấm thía rằng, không thể có sự thiên vị giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong ứng xử của con người và của muôn loài. 

Tôi biết rõ ở Nghệ An, nơi bài báo nói trên đề cập đến, Vườn quốc gia Pù Mát đang được duy trì, bảo vệ như một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Rừng săng lẻ Tương Dương vẫn vươn xanh… 

Nhưng như thế là không đủ, chưa đủ so với yêu cầu về diện tích rừng nguyên sinh trên địa bàn. Rừng trồng pơ-mu, sa-mu ở Kỳ Sơn đang được mở rộng nhưng so với số diện tích bị khai thác trong nhiều năm qua vẫn là quá bé nhỏ. Rừng chim ở Hòa Sơn- Đô Lương, vườn chim ở Lý Thành-Yên Thành, tràm chim Hưng Hòa-TP. Vinh…không chỉ là nơi “đất lành” mà sẽ dần trở thành nơi “đất phát” nhờ phát triển du lịch, dịch vụ… 

Lo toan cho đàn chim như lo cho cuộc sống của chính mình 

Tôi đã may mắn được tới thăm vườn cò Thốt Nốt (Cần Thơ), vô cùng khâm phục ý thức tự giác của bà con vùng quê này khi họ ngày ngày chăm chút, lo toan cho đàn chim như lo cho cuộc sống của chính mình. 

Tôi cũng từng về vùng bưng biền Đồng Tháp, chưa được tận mắt thấy đàn sếu đầu đỏ nhưng đã ngắm không chán biểu tượng vô cùng ý nghĩa của tỉnh này: hạt lúa vàng là chủ đạo của nền nông nghiệp, chính giữa là hình ảnh sếu đầu đỏ vươn cao. 

{keywords}
Vườn chim Bạc Liêu - nơi cư trú của nhiều loài chim quý

Nhưng những “điểm sáng” nói trên trong cả nước cũng như ở Nghệ An, cả việc làm mới đây để bảo vệ đàn chim di cư là quá ít, chưa thực sự phổ biến và chưa được nhân rộng, chưa trở thành ý thức tự giác, trở thành công việc cấp bách, thường xuyên của chính quyền cũng như người dân. Lý do được bao biện thường trực là do vướng bận, mắc kẹt trong vô vàn sự việc lớn nhỏ, thường kỳ hay đột xuất khác nên biết mà chưa làm, không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn. Để đến khi mưa to, bão lớn, lũ quét, lũ ống… gây ngập úng diện rộng, sạt lở khủng khiếp thì mọi việc đã không thể đo đếm nổi! 

Vậy nên, qua cách bài báo mô tả, hãy bắt đầu từ việc nhỏ như các đội liên ngành đi kiểm tra thu giữ “đồ nghề” của nạn săn bắt chim di cư mới đây ở Diễn Châu, Nghi Lộc chẳng hạn để từ đó duy trì một nền nếp, một ý thức tự giác trong mỗi người dân. 

Bên cạnh đó, phải là sự vào cuộc đồng bộ ở các huyện khác, thậm chí tỉnh khác, không chỉ về tình trạng săn bắt mà cả tình trạng buôn bán, “đầu cuối” tiêu thụ ở các nhà hàng đặc sản, nhất là ở các thành phố, đô thị. Còn nếu nơi làm, nơi không, thì đâu sẽ lại về đó, mất lòng tin của người tốt, người đi trước, tác hại xem ra còn khó đong đếm hơn! 

Vì thế, thật mừng khi bài báo khẳng định “Nghệ An quyết liệt…” và hy vọng Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục “đeo bám” câu chuyện này một cách kiên trì, bền bỉ, tham mưu đắc lực, hiệu quả về các vấn đề liên quan, tiếp tục duy trì các đội liên ngành để kiểm tra, xử lý, biểu dương khen thưởng những cơ sở, cá nhân làm tốt, đồng thời kỷ luật những cá nhân, cơ sở lơ là, thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng… 

Ai ai cũng đều hiểu ý nghĩa sâu xa của thành ngữ “đất lành, chim đậu”. Nhiều người say mê đọc và học bài thơ Đất Nước (Trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm, hẳn nhớ câu thơ giản dị mà hay đến tận cùng về nguồn cội đất nước: “Đất là nơi chim về”! Chuyện chim về trong lịch sử dân tộc hàng ngàn năm đến nay vẫn tiếp diễn như chính cuộc sống trường tồn. 

Bảo vệ đàn chim di cư là bảo vệ môi trường thiên nhiên, sâu xa và thiêng liêng hơn là bảo vệ Đất Nước. Đó chính là tiền đề, cơ sở cho một xã hội văn minh với môi trường trong sạch, con người sinh sống, làm việc hài hòa, thuận hòa với thiên nhiên tươi xanh, muôn loài đan kết bền vững. 

Và tôi cứ ngẫm, bài báo trên nói về một chuyện tưởng như nhỏ bé, bình thường nhưng đúng ra là không hề nhỏ trước những biến động của cuộc sống này. 

Châu Phú

Rừng trời, rừng ta

Rừng trời, rừng ta

Chuyến lên huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn - Nghệ An hồi đầu năm, tôi ngỏ ý với lãnh đạo huyện về việc muốn đến Tây Sơn, Huồi Tụ ngắm mây núi, cây rừng và viết bài cho… báo xuân!