- Việc Đức và Áo mở cửa biên giới cũng lại là biện pháp tình thế. Đây chủ yếu là nỗ lực giúp người di cư ra khỏi sự tuyệt vọng và hiểm nguy mà không vẽ ra các hướng đi sau đó.
Trong hai năm 2015-2016, EC đưa ra chương trình nghị sự của các nước thành viên
sẽ tái định cư cho 20.000 người đến từ phía ngoài EU. Khối này sẽ cung cấp hỗ
trợ 50 triệu euro.
Theo đề án tái phân phối, Đức sẽ nhận nhiều nhất khoảng 15,43%; Pháp và Anh gần
12% mỗi nước, Italia gần 10%, Tây Ban Nha 7,75%, Ba Lan 4,81%, Hà Lan 3,66%. Đây
là sự sụt giảm mạnh so với mong muốn trước đó của các tổ chức phi chính phủ vì
người tị nạn.
Tháng 5/2012, chiến dịch Resettlement Saves Lives (Tái định cư cứu mạng người) -
một nỗ lực chung của xã hội dân sự được triển khai với mục tiêu tái định cư cho
20.000 người tị nạn/năm ở các nước EU vào năm 2020.
Mặc dù vậy, ở đây có sự phân chia trách nhiệm tái định cư không đồng đều trong
khối. Một số thành viên đóng góp quá nhiều trong khi "những nước khác chả có
gì", theo báo cáo của EC ngày 13/5/2015.
Tái định cư là giải pháp lâu dài
Tái định cư có thể là giải pháp lâu bền để giải quyết vấn đề. Việc chọn lựa 20.000 người tị nạn được tái định cư ở các nước EU sẽ dựa trên
tiêu chí của UNHCR về "rõ ràng cần được bảo hộ quốc tế". Theo đó, ưu tiên tái
định cư cho phụ nữ và trẻ em gái, trẻ em và thanh thiếu niên, người tị nạn lớn
tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người không có quốc tịch, nạn nhân
buôn người và bạo lực tình dục... Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với
việc gia tăng gánh nặng lên hệ thống an sinh quốc gia của những nước tiếp nhận.
Một số thành viên EU do vậy bổ sung một số tiêu chuẩn khác để giải quyết
mối lo ngại này. Đức sẽ cân nhắc khả
năng hòa nhập vào xã hội của người tị nạn, Anh và một số nước khác thì xem xét việc ứng viên tái định cư và người phụ
thuộc tại Anh có phù hợp với lợi ích chung hay không.
Châu Âu đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan không chỉ về mặt đạo
đức mà còn về phương diện kinh tế và xã hội. Một mặt, cứu vớt sinh mạng là điều đúng đắn
về mặt đạo đức cần phải làm. Mặt khác, châu Âu muốn những lao động lành nghề và
khỏe mạnh để giải quyết tình trạng thiếu nhân công.
Đề án Thẻ xanh nhằm thu hút người di cư có tay nghề cao không có nhiều tiến
triển. Việc tiếp nhận những người
tị nạn dễ tổn thương nhất có vẻ như không hỗ trợ cho mục tiêu của Thẻ xanh.
Đây cũng là một trong nhiều chủ đề được truyền thông chính thống và mạng xã hội
thế giới những ngày qua bàn luận. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao phải phân
biệt người tị nạn và người di cư vì mục đích kinh tế. Hai đối tượng này, về luật
pháp quốc tế, có những quyền lợi hoàn toàn khác nhau.Trong đó, chỉ có người tị
nạn mới được UNHCR và các quốc gia thành viên (bao gồm EU) trao quyền bảo trợ
quốc tế.
Theo định nghĩa của UNHCR, người tị nạn là người "do sợ hãi có cơ sở về việc bị
bức hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội
cụ thể hoặc vì quan điểm chính trị, đã ở bên ngoài đất nước mà mình mang quốc
tịch, và không thể hoặc không sẵn sàng - vì sợ hãi như vậy - tận dụng sự bảo vệ
của quốc gia đó; hoặc là người không có quốc tịch và ở ngoài nơi cư trú cũ vì
những sự kiện đã nêu trên - không thể, hoặc sợ hãi không muốn trở về”.
Với định nghĩa này, EU phải loại trừ những người rời bỏ đất nước họ vì lý do
kinh tế. Vấn đề là, đó mới thật sự là người muốn làm việc để cải thiện đời sống
kinh tế của họ chứ không chỉ trông chờ vào hệ thống an sinh của EU. (Xin nói rõ,
điều đó không có nghĩa cho rằng toàn bộ người xin tị nạn chỉ muốn tranh thủ phúc
lợi của EU).
Vì thế, việc mở rộng các tiêu chí tái định cư sẽ có lợi cho cả nước tiếp nhận và
người tị nạn. Thay vì tự hạn chế với người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột, khủng
bố, EU nên xem xét tái định cư cho những người được liệt vào hạng "di cư kinh
tế". Bằng cách này, các nước thành viên lo ngại cho gánh nặng an sinh xã hội có
thể "cân bằng" tốt hơn quá trình tái định cư, và phần nào đó, làm giảm nhiệt
căng thẳng trong nước đối với người nhập cư.
Cần sửa đổi quy định nước thứ ba an toàn
Chỉ thị số 2013/32/EU được ban hành ngày 26/6/2013 về thủ tục chung cho việc cấp
phép cũng như thu hồi sự bảo hộ quốc tế có hai điều quan trọng: điều 38 và 39.
Theo đó, một nước thành viên có thể từ chối đơn xin tị nạn nếu người tìm kiếm đã
qua một nước thứ ba (không phải EU) mà nước thành viên ấy coi là an toàn cho
họ. Trong trường hợp này, người tìm kiếm tị nạn sẽ phải nộp đơn ở "nước thứ ba an
toàn” chứ không được nộp đơn xin tị nạn ở EU nữa.
Một nước không phải là thành viên EU được coi là an toàn khi: đã phê duyệt và
tuân thủ Công ước Geneva mà không có bất cứ giới hạn địa lý nào; có thủ tục tị
nạn theo quy định của pháp luật; và đã phê chuẩn Công ước châu Âu về bảo vệ các
quyền của con người cũng như quyền tự do cơ bản và tuân thủ các quy định đó. Tuy
nhiên, ít nhất có ba vấn đề phát sinh từ quy định này.
Đầu tiên, mỗi thành viên được tự do lập danh sách các nước thứ ba mà họ coi là
an toàn cho người tìm kiếm tị nạn. Mỗi nước có một danh sách khác nhau, và chính
điều này phát sinh ra vấn đề vì nó giảm bớt sự kiểm soát của EU về những gì xảy
ra với người tìm kiếm tị nạn một khi họ bị trục xuất.
Nó cũng có thể cản trở sự hài hòa về mặt chính sách trong khối vì mỗi thành viên
EU lại có quyền lên định nghĩa cụ thể khác nhau về nước thứ ba an toàn. Thứ hai,
dù quy định này không trực tiếp chống lại nguyên tắc bất khả hồi
(non-refoulement) theo điều 33 của Công ước 1951, thì vẫn có khả năng các nước
thành viên EU xâm phạm nguyên tắc đó nếu họ không có biện pháp bảo vệ đáng tin
cậy để đảm bảo rằng, nước thứ ba thực sự an toàn cho người tìm kiếm tị nạn.
Cuối cùng, quy định nước thứ ba an toàn, kèm với các quy định kiểm soát biên
giới đất liền gắt gao của EU, càng khiến những người muốn di cư sang châu Âu một
cách hợp pháp phải nản lòng vì họ buộc phải tránh đi qua tất cả các nước thứ ba
được gắn mác "an toàn".
Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguyên tắc nước thứ ba, EU cần quyết định cùng nhau - trên tư cách là một khối - xác định rõ nước nào an toàn, làm việc chặt chẽ với những nước ấy để giám sát quá trình tiếp nhận trở lại người tìm kiếm tị nạn, để họ không bị trục xuất hay bắt bớ.
Vũ Thị Hương Giang (Đại học Trung Âu, Budapest - Hungary) - Thái An (biên dịch)