Chiều 13/3, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp đoàn công tác do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam - ông Keijo Norvanto và Tổng Giám đốc tập đoàn Nokia – Pekka Lundmark dẫn đầu.

Nokia là tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm, giải pháp hạ tầng mạng di động và cố định, điện toán đám mây, cáp biển. Nokia hoạt động ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay, với khoảng 150 nhân viên tại 2 văn phòng TP.HCM và Hà Nội. Ngoài cung cấp thiết bị, từ năm 2020, Nokia còn hợp tác với các nhà mạng Việt Nam để thử nghiệm thương mại 5G.

W-bt-nguyen-manh-hung-nokia-phan-lan-3-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tiếp đoàn công tác tập đoàn Nokia. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn ngài Đại sứ và Tổng Giám đốc Nokia, đồng thời đánh giá cao việc tập đoàn Nokia đã đồng hành cùng sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam hơn 30 năm qua. Sự tham gia đóng góp của Nokia là một trong những lý do giúp Việt Nam sở hữu hạ tầng viễn thông tốt với giá rẻ như hiện tại. 

Chia sẻ với đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các vấn đề mà Việt Nam quan tâm là tìm giải pháp để nhà mạng trong nước tăng trưởng doanh thu, chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành công ty công nghệ, xây dựng hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực ICT, viễn thông. 

Từ góc độ một doanh nghiệp hoạt động tại nhiều quốc gia, Bộ TT&TT mong muốn Nokia hỗ trợ Việt Nam bằng cách chia sẻ bài học thành công của các nhà mạng thế giới khi triển khai 5G, những ứng dụng (use case) có thể giúp tăng trưởng doanh thu cho các nhà mạng. 

Việt Nam cũng cần kinh nghiệm các nước trong việc chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, từ telco (nhà cung cấp dịch vụ viễn thông) thành công ty công nghệ số. 

Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền chặt, Nokia nên mở rộng mảng kinh doanh, mở các phòng lab, cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam thay vì chỉ đơn thuần bán thiết bị. Nokia cũng có thể tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. 

W-bt-nguyen-manh-hung-nokia-phan-lan-4-1.jpg
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam - ông Keijo Norvanto và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm 2022, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một ủy ban phát triển công nghệ của tương lai. Bộ TT&TT mong muốn Nokia hợp tác, chia sẻ thông tin về việc phát triển 6G, các mạng 5G private và mạng 5G dùng cho doanh nghiệp. 

Trước những gợi ý, chỉ đạo của người đứng đầu ngành TT&TT Việt Nam, Tổng Giám đốc Nokia Pekka Lundmark cho hay, khác với các thế hệ mạng di động trước đây vốn chỉ tập trung vào khách hàng cá nhân, mạng 5G giúp mở ra một thị trường mới là các doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các nhà mạng phải có cách nghĩ, cách làm mới so với trước đây. 

Để cung cấp giải pháp chuyển đổi số dựa trên 5G, các kỹ sư giờ đây không chỉ cần kiến thức về viễn thông mà còn cả kiến thức liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành như cách vận hành cảng, hoạt động của nhà máy điện,… từ đó hình thành giải pháp hoàn chỉnh cho khách hàng là các doanh nghiệp.

W-bt-nguyen-manh-hung-nokia-phan-lan-2-1.jpg
Tổng Giám đốc Nokia Pekka Lundmark. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà mạng viễn thông chuyển từ telco thành nhà cung cấp dịch vụ số là việc khó, nhưng bắt buộc phải làm. Chúng tôi đang hỗ trợ các nhà mạng trong quá trình chuyển đổi, đồng thời hợp tác với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực. Nokia cũng đang xem xét đưa mô hình phòng lab ở trường đại học Sydney của Australia vào Việt Nam”, ông Pekka Lundmark nói. 

Theo Tổng Giám đốc Nokia, việc thành lập ban chỉ đạo về phát triển 6G thể hiện tầm nhìn xa của Bộ TT&TT. Sự chuẩn bị này là việc làm cần thiết, song song với việc đầu tư triển khai 5G. 

Nokia sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam về các nghiên cứu mới liên quan đến 6G, kinh nghiệm thương mại hóa 5G và phát triển các mạng 5G dùng cho doanh nghiệp. Nokia cũng mong muốn trở thành đối tác tin cậy trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam”, Tổng Giám đốc Nokia khẳng định. 

W-bt-nguyen-manh-hung-nokia-phan-lan-1-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp hình lưu niệm cùng Đại sứ Keijo Norvanto và Tổng Giám đốc Nokia Pekka Lundmark. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trao đổi với ngài Đại sứ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện có 60.000 doanh nghiệp ICT, với doanh thu năm 2023 khoảng 158 tỷ USD. Đây là không gian lớn để hai nước có thể hợp tác. 

Bộ TT&TT mong muốn làm việc với nhiều doanh nghiệp Phần Lan hơn nữa trong lĩnh vực ICT và công nghiệp điện tử. Trước mắt, Đại sứ quán Phần Lan và Bộ TT&TT nên phối hợp tổ chức một diễn đàn về ICT và công nghệ số để kết nối, xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam - ông Keijo Norvanto, trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông, hai nước đã có nhiều hợp tác về đào tạo song bằng. Tuy nhiên, điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam – Phần Lan vẫn là hợp tác về lĩnh vực công nghiệp. Trước những gợi mở từ người đứng đầu Bộ TT&TT, Đại sứ Phần Lan cho biết, hợp tác về bán dẫn sẽ là một trong những ưu tiên trong quan hệ hai nước thời gian tới.