Tự lực vươn lên thoát nghèo

Cũng như nhiều nông dân sinh ra và lớn lên ở địa phương, anh Trương Thanh Đông, ngụ tại ấp Thạnh Phú, xã Trung Thạnh, (Cờ Đỏ) thường xuyên lao động với nhiều nghề khác nhau như: Thợ xây, công nhân… Công việc theo thời vụ nên không ổn định, vì thế kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, anh được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng nấm rơm.

Những ngày đầu khi bắt tay vào sản xuất, vì chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm của anh làm ra chất lượng chưa đảm bảo, nên giá thấp. Nhiều lúc anh buông xuôi không muốn tiếp tục theo đuổi nghề này. Qua tìm hiểu thông tin trên sách báo, học hỏi thêm kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng,  việc trồng nấm của anh đã đem lại kết quả như mong đợi.

Anh cho biết: “Trước đây công việc không ổn định theo mùa vụ, nên cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, bữa no bữa đói. Từ khi tôi học hỏi kinh nghiệm và đầu tư cho việc trồng nấm rơm, công việc ổn định hơn, thu nhập khá nên cuộc sống đỡ vất vả”.

Theo anh Đông, Một vụ trồng nấm, tính từ lúc ủ rơm đến lúc thu hoạch tàn, chỉ khoảng 1 tháng 20 ngày. Nấm rơm có thể trồng được quanh năm, bình quân mỗi năm tôi trồng 15 vụ nấm".

Anh tiết lộ, kinh nghiệm trồng nấm của anh chủ yếu được tích lũy qua thực tế các vụ trồng.

{keywords}
Nhiều nông dân xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, (Cần Thơ) đang triển khai mô hình trồng nấm có giá trị cao.

Chia sẻ bí quyết để nấm đạt năng suất cao, anh khẳng định nguồn nguyên liệu rơm rạ chiếm 70% tỷ lệ trúng hay thất. Do đó, anh chỉ chọn mua rơm ở những nơi trồng lúa có uy tín, ít sử dụng phân thuốc. Nấm rơm phù hợp với những nơi trồng ít chịu ảnh hưởng của gió mạnh. Vì thế, ruộng nấm rơm nhà anh Đông được che bạt cẩn thận, giúp nấm sinh trưởng tốt.

"Nấm rơm tuy dễ trồng nhưng cũng rất khó, bởi trồng nấm rơm phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó quan trọng nhất là thời tiết. Trong những ngày nắng, phải tưới nước 2-3 lần; trời mưa phải chịu khó xẻ rãnh thoát nước. Ngoài ra, phải chọn meo giống tốt, đạt chất lượng", anh bộc bạch.

Đặc biệt, kể từ khi bắt đầu ra nấm, anh Đông không sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho đến ngày thu hoạch.

Hiện nay, giá nấm rơm do thương lái thu mua, dao động khoảng 50.000 đồng/ký; có thời điểm đạt đến 70.000-80.000 đồng/ký.

Trên 2 công đất, sau khi trừ chi phí, anh Đông thu lời khoảng 15 triệu đồng/vụ, giúp kinh tế ngày càng khấm khá. Không chỉ bán nấm tươi, sau mỗi vụ nấm, anh Đông còn có thêm nguồn thu nhập khác nhờ bán rơm rạ.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm, ban đầu, chỉ có vài hộ dân xã Trung Thạnh trồng thí điểm, đến nay trên khắp địa bàn có nhiều hộ theo nghề trồng nấm.

Thành lập Hội trồng nấm rơm trên tinh thần tự nguyện

Qua quá trình cùng nhau sản xuất, các hộ gia đình ở đây đã tự nguyện thành lập Hội trồng nấm rơm trên tinh thần tự nguyện. Thành viên của Hội có nhiệm vụ giúp đỡ nhau trong việc làm hằng ngày như: Hỗ trợ ngày công lao động, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, thăm hỏi mỗi lúc ốm đau. Ngoài ra, hằng tháng mỗi hội viên góp tiền vay vòng, nhằm tạo điều kiện để các hội viên khác đầu tư sản xuất.

Theo anh Đông, trên thị trường hiện nay nhu cầu tiêu thụ nấm rơm rất mạnh, anh muốn đầu tư mở rộng trang trại nhằm tạo ra sản phẩm với số lượng lớn để cung ứng đủ  cho thị trường. Đồng thời, khi mở rộng quy mô sản xuất sẽ tạo việc làm thường xuyên hơn nữa cho nông dân tại đây.

Có thể nói, nghề trồng nấm rơm đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho anhông và một số hộ gia đình tại xã Trung Thạnh.

Hiện tại, nhiều hộ trồng nấm rơm tại địa phương mong muốn có sự liên kết và hướng dẫn của ngành chuyên môn để họ yên tâm đầu tư sản xuất, tạo ra được sản phẩm với số lượng lớn và đảm bảo chất lượng. Như vậy, thu nhập bình quân của xã sẽ tăng lên, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Thúy Hạnh
Ảnh: Vĩnh Sang