Hè năm ngoái, Huang Dehuai, 27 tuổi, bỏ công việc bán phân bón với mức thu nhập 1.600 USD/tháng để trở về quê nhà là Beisuo. Tại đó, anh kiếm được 300 USD/tháng với cương vị là một công chức khu vực miền núi phía tây nam tỉnh Quảng Đông.
“Một phần công việc của tôi là giúp dân làng bán nông sản trực tuyến”, Huang nói với sự tự hào. “Họ không có hiểu biết về Internet, chưa nói đến thương mại điện tử”. Anh có một giấc mơ là đưa quê hương mình thoát nghèo.
Giống với hầu hết nông dân tại Beisuo, gia đình Huang kiếm cơm bằng cách trồng quả hồng. Không có gì truyền cảm hứng cho các “doanh nhân” ở nông thôn tốt như sự giàu có của Tongyu. Từ một quận nghèo ở phía Đông Bắc Trung Quốc, Tongyu làm giàu bằng cách bán hạt hướng dương, đậu và ngũ cốc trực tuyến.
Ý tưởng đưa các khu vực nông thôn thoát nghèo thông qua thương mại điện tử đã nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Trung Quốc trong vài năm qua. Thu nhập tại các vùng nông thôn đang tăng lên, nhưng vẫn thua xa thành thị. Năm 2017, người thành phố có thu nhập gấp khoảng 3 lần so với nông thôn. 30 triệu người ở các vùng hẻo lánh, chủ yếu là nông dân, vẫn sống trong nghèo khổ.
Nhiều bên cùng cố gắng
Năm 2016, Trung Quốc chính thức coi thương mại điện tử hóa nông thôn là một chiến lược quốc gia. Hàng tỷ nhân dân tệ đã được đổ ra để xây dựng đường, mạng lưới logistic, hạ tầng băng rộng tại các khu vực nông thôn. Mục tiêu của Trung Quốc là 50% người dân nông thôn được tiếp cận thương mại điện tử cho đến năm 2020.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng vào cuộc. Năm 2016, Alibaba thành lập các trung tâm dịch vụ Taobao tại 22.000 ngôi làng, theo báo cáo của Bộ Thương mại. Những trung tâm này trang bị máy tính và nhân viên để giúp nông dân mở cửa hàng trên Taobao và thực hiện các đơn hàng online. Một ông lớn khác là JD cũng mở hơn 1.700 điểm hỗ trợ.
Doanh số bán hàng online tại nông thôn tăng vọt nhờ những nỗ lực này. Từ 2013 đến 2015, doanh số giao dịch tăng gấp hơn 3 lần, lên mức 23,6 tỷ USD, theo Bộ Nông nghiệp.
Thiếu nhân lực
Buổi sáng tại Beisu thường rất yên tĩnh. Hầu hết thanh niên ở độ tuổi của Huang đều đến thành thị để tìm kiếm mức thu nhập cao hơn, giống với nhiều vùng quê khác. Từ 2011 đến 2016, số lượng người di cư đến các vùng thành thị tăng 11,4%, lên 281 triệu người.
Trở ngại cho việc phát triển thương mại điện tử ở các vùng nông thôn, theo chính phủ Trung Quốc, là do thiếu những người tài như Huang. Mặc dù chính phủ chi trả cho tiền hạ tầng như Internet, phí vận chuyển, các nhà bán lẻ trên mạng cung cấp kênh bán hàng, rất nhiều nông dân Trung Quốc không có kiến thức về bán hàng qua mạng.
Chính quyền địa phương cũng tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Chẳng hạn, Tongyu thuê Yunfei Hewu, một công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để giúp nông dân mọi thứ, từ quản lý chất lượng đến đóng gói và làm thương hiệu.
Nhưng không nhiều nơi được như Tongyu. Để gây ấn tượng với sếp của mình, nhiều quan chức theo đuổi các dự án xây dựng trung tâm hỗ trợ thương mại điện tử hàng loạt nhưng không có nhân sự.
“Hầu hết chính quyền địa phương muốn kết quả nhanh – thứ để họ lấy thành tích”, Wu Dong, người quản lý 31 điểm hỗ trợ thương mại điện tử khắp Trung Quốc nói. Năm 2016, Trung Quốc có 1.112 trung tâm như vậy. Khá nhiều trong số đó vẫn còn trống không.
Ngay cả khi có nhân sự, các chuyên gia về thương mại điện tử và nông dân đôi khi không tìm được tiếng nói chung. “Với những thứ đơn giản như đóng gói, đôi khi họ mất nhiều tuần để thương thuyết. Nông dân không hiểu tại sao chúng tôi đóng 6 quả hồng mỗi hộp, thay vì 12 quả như họ từng làm. Họ có cảm giác bán được ít hàng hơn, trong khi thực tế chúng tôi giúp họ bán với giá cao và lượng hàng nhiều hơn”, Huang giải thích.
Không dễ để bán hàng qua mạng
Ngay cả khi đưa được hàng hóa lên Alibaba và JD, chưa chắc chúng đã bán chạy. Không có sự trợ giúp của những người am hiểu như Huang hay từ đơn vị bên ngoài, những người nông dân này hoàn toàn lép vế trước hàng nghìn đơn vị bán hàng online khác.
Ủng hộ chính sách của chính phủ, một số nhà bán lẻ trực tuyến đã ưu tiên tìm kiếm sản phẩm từ các vùng nông thôn. “Tuy nhiên, phí vận chuyển vẫn là một vấn đề do Alibaba và JD không thể hỗ trợ từng nông dân tại Trung Quốc”, lãnh đạo một công ty thương mại điện tử cho hay. Việc bán hàng cũng không hề miễn phí. Chủ các gian hàng phải trả cho Taobao một khoản phí, mỗi khi có giao dịch thành công.
Mặc dù các ông chủ đã nói chuyện với chính phủ về việc hỗ trợ nông thôn nhưng lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu.
“Đừng đặt quá nhiều hy vọng vào các ông lớn thương mại điện tử để giải quyết vấn đề sản xuất”, Huang nói. Một phần giải pháp là dựa vào mạng xã hội. Chẳng hạn vào mùa thu năm ngoái, 20% trong tổng số 120 tấn hồng được Huang bán thông qua WeChat. “Để mua rau quả, khách hàng không cần gặp trực tiếp hoặc tin tưởng vào thương hiệu”, Huang nói thêm.
“Làm thương mại điện tử tại vùng nông thôn không hề dễ dàng”, Lung Shuisheng, một viên chức của quận phía tây nam Quảng Đông nói.
Mỗi ngày, hàng triệu nông dân Trung Quốc theo đuổi giấc mơ bán hàng qua mạng thức dậy với những khó khăn mới. Nhưng có vẻ như quyết tâm hay những câu chuyện thành công như của Tongyu sẽ tiếp tục thúc đẩy họ tiến lên phía trước.
Theo Zing