Ngay từ những ngày đầu năm 2021, ngành nông nghiệp liên tiếp chứng kiến những chuyến hàng xuất khẩu gạo, tôm với mức giá khả quan, thậm chí giá lô gạo xuất khẩu đầu tiên của năm lên đến 705 USD/tấn. Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn liên quan tới thị trường, nhất là khi đại dịch COVID-19 trở lại cộng đồng.

Trước tình hình này, tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

{keywords}
Nhằm tháo gỡ khó khăn, đề nghị các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống. Ảnh minh họa.

Thủ tướng cũng yêu cầu bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó, có giải pháp kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề xuất một số giải pháp.

Theo đó, đối với các địa phương đang bị ảnh hưởng trực tiếp, UBND tỉnh bị ảnh hưởng cần có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận  tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ. Đề nghị các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi.

Các Bộ ngành liên quan chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường. Ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.

Về dài hạn, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ về lịch mùa vụ, tình hình diễn biến thời thiết và dịch bệnh... để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây trồng theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cũng như bảo đảm nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch được kiểm soát…

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

Về tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh tới người sản xuất và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.

Hiệp hội ngành hàng phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng.

Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều tiết giảm lượng hàng nhập, sử dụng hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là những mặt hàng nông sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ, ưu tiên tiêu thụ nông sản thực phẩm trong nước…

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất các chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra, như giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hồng Khanh