- Các đây 1 tháng, ca sĩ Phúc Tiệp cũng thông báo ra MV hát nhạc tình và giờ tới anh – NSND Quốc Hưng – một giọng bass quý hiếm của dòng nhạc thính phòng. Dường như có sự dịch chuyển của các ca sĩ dòng nhạc Opera sang hát nhạc tình?

Thực ra, nhạc tình không khác gì thính phòng. Không phải tôi rẽ ngang sang dòng nhạc khác, vẫn là những bài hát chứa đựng nhiều tình cảm đặc biệt thôi.

Từ thời học sinh, tôi đi hát nhiều tại những tụ điểm ca nhạc hay phòng trà ở Hà Nội, kiếm được tiền, nuôi sống bản thân và ăn học. Tôi thành công bởi với thể loại âm nhạc này, giọng trầm sẽ sang trọng và mọi người dễ đón nhận.

Lên đại học, tôi tập trung vào nhạc thính phòng cổ điển vì rất đam mê Opera. Sau đó, tôi tạm gác lại và chuyên tâm vào việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

NSND Quốc Hưng.

Giờ quay lại, đó cũng là nhu cầu của cuộc sống. Trước kia, chỉ hát nhạc thính phòng, đời sống kinh tế của tôi không bằng những bạn theo đuổi dòng nhạc khác. Khi có gia đình rồi, tôi buộc phải nghĩ đến việc lo cho vợ con. Nhiều năm nay, những chương trình về nhạc đỏ của Việt Nam đều có dự góp mặt của tôi.

- Các thầy giáo dạy Opera không thích học trò hát nhạc khác, vì sợ sẽ không có thời gian luyện thanh, hỏng giọng. Anh có áp lực về điều này?

Tôi không áp lực nhiều việc giữ giọng bởi tôi cũng sinh hoạt như những giảng viên ở trường. Chúng tôi ngày nào cũng dạy học trò nên đều đặn được luyện giọng. 

Có được giọng bass quý hiếm, chắc do tôi có tố chất. Trong TP.HCM, mỗi khi cần giọng bass họ đều mời tôi. Chỉ khi tôi có việc không thể tham gia, họ mới mời những nghệ sĩ giọng bass ở châu Âu về. Khi vào TP.HCM tham gia các chương trình nghệ thuật, tôi đều nhiệt tình bởi chúng ta cần hỗ trợ nền nghệ thuật của hai miền. 

- Hát nhạc tình đôi khi cảm xúc cần hơn là phô diễn kỹ thuật, nhưng là “dân thính phòng” thì đến quãng giọng nào đó lại bị "phô" ra. Anh có gặp trường hợp đó?

Hát thể loại này không có gì khó khăn với tôi cả. Hát nhạc tình mà trái tim không thổn thức, không có cảm xúc thật thì không được. Với thể loại này, tôi không chú trọng vào kỹ thuật mà tập trung vào tình cảm, lột tả được những ý nghĩa mà người nhạc sĩ gửi vào lời hát.

Bạn nói đúng, tôi cũng gặp trường hợp đang hát tự nhiên kỹ thuật nó "phô" ra thôi. Kỹ thuật như ăn vào máu “dân thính phòng” rồi.

Lúc thu âm, tôi không nghĩ về kỹ thuật mà chỉ là cảm xúc. Những lúc mãi không thu được, tôi không thể chấp nhận được việc mình hát đúng nhưng chưa thổn thức. Chỉ cần một câu hát chệch ra khỏi cảm xúc của bài hát, tôi cũng dừng ngay và thu lại cả bài. Vì vậy, những bài hát này chỉ thống nhất một thứ tình cảm thôi.

Khuôn mặt của anh có vẻ nghiêm nghị của giảng viên thanh nhạc, của người theo dòng nhạc thính phòng lâu năm, nhưng khi hát nhạc tình cần cơ mặt dãn ra thậm chí phải biết cách diễn. Anh gặp khó khăn gì?

Lúc đi quay và diễn theo nội dung của tác phẩm, đạo diễn nói tôi phải diễn đau khổ. Nhưng khi xem lại, tôi thấy không phải là mình, tôi diễn đau khổ, quằn quại rất buồn cười. Tôi nhận ra không cần thiết như thế, gương mặt vừa phải thôi, quan trọng là giọng hát. Tôi điều tiết lại, buồn nhưng vẫn phải có sự sang trọng. 

- Ngày trẻ anh đã từng hát nhạc tình, ở tuổi này việc hát nhạc tình có gì khác? 

Lúc trẻ tôi hát khác, bây giờ vẫn là tác phẩm đó nhưng độ thẩm thấu sâu hơn vì có sự từng trải và chín muồi. Niềm vui và nỗi buồn đều là cảm xúc thật.

- Bà xã phản ứng thế nào khi nghe anh hát thể loại nhạc khác ở hiện tại?

Bà xã có “trách” rằng yêu đương, nhớ nhung ai mà nức nở thế. Tôi phải nói đây chỉ là sự thể hiện của người nghệ sĩ và tôi nói hộ tác giả thôi. Nhưng đúng là tôi phải đặt tình cảm, những mất mát từ xưa để thể hiện đúng cảm xúc.

- Anh từng ra sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam”, tương lai anh có viết tiếp?

Viết sách rất tốn thời gian và công sức. Với một nghệ sĩ biểu diễn, ra được một cuốn sách là cả một sự cố gắng. Tôi chỉ ra một cuốn cho khoa Thanh nhạc thôi, còn không sẽ rất mệt. Giờ tôi chưa nghĩ tới viết tiếp, rất khó.

Nửa hồn thương đau - NSND Quốc Hưng: