Tổng kết 10 năm xây dựng NTM, với 100% xã trong tỉnh đều đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chương trình xây dựng NTM đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khang trang, “xanh - sạch - đẹp”; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn.

{keywords}
Đường kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng.

Theo số liệu thống kê, Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành phố cả nước hoàn thành 100% xã NTM; toàn tỉnh hiện có 46/46 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; 3/7 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tại Bình Dương, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư cải thiện, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn so với thị thành được rút ngắn.

Đến nay, hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng như: hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp... đều có bước phát triển đáng kể, tạo diện mạo và sức sống mới cho khu vực nông thôn. 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống trường học, y tế, hê thống thiết chế văn hóa 100% đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,99%, trong đó nước sạch đạt 73%...

Tổng kết 10 năm xây dựng NTM, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương cho biết, hoàn thành NTM chỉ là điểm bắt đầu trên nền tảng mới để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

"Với nhận định chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh thì việc xây dựng NTM phải do chính người dân tổ chức thực hiện, việc xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đó là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta cần tập trung quan tâm tới. Với chỉ đạo đó, các xã nhận thức được, xây dựng quy hoạch và đề ra giải pháp để thực hiện các tiêu chí", ông Mai Hùng Dũng chia sẻ.

Một trong số ít địa phương không nợ đọng trong xây dựng NTM

Một ấn tượng đặc biệt trong triển khai xây dựng NTM tại Bình Dương là 100% số xã tại Bình Dương đã hoàn thành NTM nhưng địa phương không có nợ đọng trong công tác xây dựng NTM. 

Được biết, trong công tác xây dựng NTM giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn để xây dựng NTM tại Bình Dương là 6.600 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước là 42%, phần còn lại 58% là vốn người dân, vốn doanh nghiệp và các tổ chức.

Đặc điểm của Bình Dương là bố trí vốn xây dựng NTM lồng ghép qua quá trình xây dựng cơ sở vật chất của các ngành, ví dụ như: xây dựng trường học thì bố trí vốn cho ngành giáo dục, làm đường giao thông nông thôn thì bố trí vốn cho các huyện, thị xã… Cho nên, quá trình xây dựng NTM tỉnh Bình Dương không có nợ đọng về xây dựng NTM.

Với cách làm như thế thì việc triển khai cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh rất là chủ động trong quá trình chọn danh mục đầu tư; chủ động trong quá trình phối hợp với nhân dân cho những công trình để đầu tư nhằm đạt chuẩn gắn với nhu cầu bức thiết của địa phương; chủ động trong quá trình tổ chức triển khai thi công và cả quá trình giám sát thi công các công trình NTM. Khi bố trí lồng ghép xây dựng NTM vào các chương trình khác thì thuận lợi là triển khai nhanh hơn, không có nợ đọng và có sự giám sát của người dân ngày càng tốt hơn.

Hướng đến NTM nâng cao

Nói về kết quả xây dựng NTM của tỉnh, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, chú trọng chất lượng với mục đích chính là nâng cao đời sống cư dân nông thôn, chương trình NTM của tỉnh đã có bước đi đúng hướng, vững chắc. Không có địa phương nào của tỉnh xảy ra tình trạng nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTM. Để chương trình xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018, làm cơ sở đánh giá việc nâng cao các tiêu chí sau khi đạt chuẩn NTM. Các chỉ tiêu nâng cao đều hướng tới việc chăm lo đời sống của người dân ở nông thôn tốt hơn, giảm khoảng cách được hưởng các dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.

Căn cứ Quyết định này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: UBND các huyện, thị chỉ đạo UBND các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM rà soát, đánh giá các tiêu chí đạt được, tiếp tục đầu tư thực hiện nâng chất các tiêu chí còn hạn chế để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020 ban hành tại Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh. Đối với các xã đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn UBND các huyện, thị tổ chức thực hiện các tiêu chí nâng cao thuộc lĩnh vực ngành quản lý. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn UBND các huyện, thị lựa chọn xây dựng một số mô hình điểm để thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Mai Hùng Dũng, ngay từ đầu chương trình, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã xác định được công nhận NTM cũng chỉ là bước đầu, cái đích cuối cùng của chúng ta vẫn là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tăng thêm.

"Với mục tiêu đó thì kết quả được công nhận NTM của 46 xã tại tỉnh không phải là điểm dừng, mà đây là điểm bắt đầu và chúng ta bắt đầu trên một nền tảng mới, trên nền tảng cơ sở vật chất tương đối tốt, trên nền tảng đời sống tinh thần của người dân tương đối tốt", ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh. 

Hiện Bình Dương đang triển khai nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để làm được việc này thì tỉnh, huyện và các xã phải tập trung nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, các vùng nông thôn, như: triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm mà tỉnh đã có đề án nhằm đưa doanh nghiệp về nông thôn để hỗ trợ, phối hợp giữa doanh nghiệp và hội nông dân nhằm phát triển kinh tế hội; tiếp tục đầu tư nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân bằng cách tập trung đầu tư nâng cao cơ sở vật chất từ điện, đường, nước, y tế, văn hóa… Đây là những việc để thực hiện đạt mục tiêu mới cao hơn, và đưa ra những biện pháp cụ thể hơn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Viết Chung