Chia sẻ của TS Phạm Cẩm Phương (sinh năm 1978), Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu -Bệnh viện Bạch Mai – gương mặt nữ bác sĩ duy nhất được trao giải Đặng Thùy Trâm của TP Hà Nội 2016.

Chào chị, xin chị cho biết cảm nghĩ của mình khi nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm?

- Giải thưởng Đặng Thùy Trâm là giải thưởng cao quí, tôi cảm thấy rất vui, rất vinh dự khi được nhận giải thưởng này.

Gắn bó với công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư hẳn chị có nhiều kỉ niệm. Chị có thể chia sẻ được không?

- Tới nay tôi đã có hơn 10 năm công tác trong ngành. Kỉ niệm thì nhiều, có cả buồn cả vui.

Kỉ niệm vui nhất, chắc chắn là những lần chúng tôi phát hiện sớm và chữa được khỏi bệnh ung thư cho người dân. Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp rất vui khi mỗi dịp 27/2, lễ tết, 8/3 hay 20-10 chúng tôi nhận được rất nhiều tin nhắn từ các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gửi lời “chúc bác sỹ khỏe… để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”

Hay như vừa qua chúng tôi có chương trình tình nguyện khám, sàng lọc bệnh ung thư vú cho người dân trên địa bàn thành phố đã phát hiện sớm 5 trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm. Với bệnh ung thư vú nếu phát hiện và điều trị sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.

{keywords}

TS.BS Phạm Cẩm Phương là gương mặt nữ duy nhất trong danh sách 10 gương mặt được nhận giải Đặng Thùy Trâm năm nay.

(Ảnh: Văn Chung)

Kỉ niệm buồn là rất nhiều bệnh nhân ung thư hiện nay còn trẻ tuổi, có những người ở giai đoạn có thể điều trị được nhưng lại không có khả năng chi trả quá trình điều trị. Chúng tôi vẫn thường xuyên kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ họ.

Song buồn đau nhất là khi chứng kiến những em nhỏ vào điều trị tại đây. Với người lớn, nỗi đau thể xác sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị đã là thách thức, với các em nhỏ lại càng xót xa.

Mỗi lần nghe các con hỏi: 'Bác sĩ ơi, mắt con có sáng lại không? Khi nào con khỏi bệnh, khi nào con được trở lại đi học và vui chơi với các bạn? Tôi cảm thấy buồn và đau lòng lắm. Chúng tôi luôn động viên các con và gia đình để làm sao đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho các con.

Gần đến 27/2, điều gì khiến chị vẫn còn trăn trở, day dứt vời nghề?

- Với người bệnh, ai cũng mong muốn làm sao sớm khỏi bệnh để về sinh hoạt bình thường. Với bệnh ung thư ước ao đó càng cháy bỏng, lớn gấp bội lần.

Ở Việt nam, bệnh nhân khi biết tin mình bị ung thư thường có tâm lí chán chường, choáng váng. Cả gia đình và bản thân họ đều như vậy. Họ nghĩ ung thư là chấm hết, nhưng không phải vậy, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh ung thư có thể khỏi bệnh, ở giai đoạn muộn hơn cũng có thể điều trị đạt ổn định bệnh hoặc có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống (giảm đau…)

Vừa phải chống lại bệnh tật, đa phần người bệnh còn chật vật với nỗi lo khác như ai sẽ chăm sóc gia đình, làm sao có đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi quá trình điều trị.

Chúng tôi luôn cân nhắc và cố gắng giúp người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại ung thư, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và kinh tế của người bệnh. Về điều trị thì không chỉ có một phương pháp mà có nhiều phương pháp khác nhau như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị nhắm trúng đích. Không thể lựa chọn phương pháp quá đắt tiền để áp dụng cho những bệnh nhân có điều kiện kinh tế ở mức trung bình hoặc nghèo.

- Xin cảm ơn chị!

  • Văn Chung (thực hiện)