"Dừng việc bắt trẻ phải chụp ảnh để cập nhật lên Nền tảng giáo dục an toàn trường học", là nội dung tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua. Đây là nền tảng được sử dụng tại một số trường mầm non, tiểu học và trung học ở Trung Quốc.
Những năm gần đây, từ nộp bài, đánh giá sau giờ học, đến phổ biến luật pháp như: Phòng chống ma túy, gian lận, đuối nước và các hoạt động giáo dục khác, đều phải chụp ảnh để cập nhật. Hoạt động này khiến công việc của giáo viên bận rộn hơn, thậm chí có người đã nghỉ việc vì quá áp lực.
Nếu học sinh và phụ huynh không hoàn thành việc chụp ảnh, áp lực đè nặng lên giáo viên chủ nhiệm. Điển hình là câu chuyện của cô Vương Tuyết - giáo viên mầm non tại một tỉnh phía Đông Nam, Trung Quốc cho biết, vừa quyết định bỏ nghề vì áp lực việc phụ.
Nữ giáo viên chia sẻ, đầu năm nhận được nhiệm vụ làm báo cáo và cập nhật hình ảnh học sinh và các hoạt động của trường lên Nền tảng giáo dục an toàn trường học hàng ngày. Do đó, các hoạt động ở trường cô Tuyết sẽ đảm nhận việc xây dựng nội dung và chụp ảnh đẩy lên nền tảng.
Một số chủ đề như Lễ hội mùa xuân, cô Tuyết cần phụ huynh hỗ trợ ghi lại hình ảnh trẻ dọn nhà, dán câu đối, đón Giao thừa và nhận lì xì... Đối với hoạt động bắt buộc học sinh tham gia, cô Tuyết nắm bắt từng cơ hội để nhờ phụ huynh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hợp tác hoặc đôi khi trẻ bày tỏ mong muốn không thích chụp ảnh.
Cô Tuyết chia sẻ, mục đích ban đầu đề ra khi tổ chức nội dung sinh hoạt cho trẻ rất hay. Nhưng, hiện nay nhiều thứ thay đổi, hoạt động này không giúp trẻ trải nghiệm và học hỏi, ngược lại trường đang sử dụng học sinh làm 'công cụ' phục vụ báo cáo.
Thậm chí, trường còn yêu cầu 100% các lớp tham gia đầy đủ chủ đề mỗi tháng trên nền tảng. Hiệu suất công việc của cô Tuyết và đồng nghiệp được tính bằng mức độ thu thập ảnh của học sinh trong các hoạt động.
"Nếu tỷ lệ hoàn thành thấp, tôi bị nhắc nhở trong cuộc họp tuần. Một học sinh trong lớp không hoàn thành, 2 giáo viên phụ trách và nhân viên chăm sóc trẻ sẽ bị trừ 100 NDT/người/tháng (340.000 đồng) và thi đua", cô Tuyết tiết lộ.
Mỗi lớp khoảng 35 trẻ, trong đó chỉ 2/3 phụ huynh hợp tác. Trước thời gian cần hoàn thành nhiệm vụ, nếu cô Tuyết chưa nhận được ảnh từ phụ huynh gửi, sẽ phải đăng nhập vào tài khoản tự xử lý. Cô giáo bày tỏ, mỗi lần nhắc phụ huynh gửi ảnh của con là cơn ác mộng, đến giờ vẫn không dám nghĩ lại.
Điều khiến cô Tuyết khó chịu là hay phát sinh việc ở trường do cấp trên giao. Về đến nhà, người này tiếp tục thức đến đêm để làm báo cáo hoặc soạn giáo án.
Ngoài ra, trường cũ cô Tuyết làm còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, mỗi năm tổ chức 10 buổi thảo luận về các vấn đề nuôi dạy con cái cho phụ huynh. Mỗi lần tổ chức hoạt động, nữ giáo viên phải nghiên cứu tài liệu và viết ra những điều cần nói. Kết thúc sự kiện, thứ duy nhất đọng lại là những hình ảnh chụp để cập nhật nền tảng.
Cô Tuyết chia sẻ, dành phần lớn thời gian mỗi ngày để chăm sóc và đảm bảo sự an toàn cho trẻ em khi ở trường. Khối lượng công việc nhiều nên nữ giáo viên chỉ ngủ hơn 3 tiếng/ngày. Ngoài việc làm chủ nhiệm, cô Tuyết kiêm thêm nhiệm vụ xây dựng chương trình học mới cho trẻ. Công việc này, nữ giáo viên thường làm sau giờ trẻ tan học hoặc mang về nhà nghiên cứu.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cô Tuyết quyết định bỏ nghề chuyển sang làm công việc chân tay. Mức lương của cô Tuyết ở trường mầm non chất lượng cao, tối đa 5.000 NDT/tháng (17 triệu đồng) và thu nhập bình quân mỗi năm cả thưởng dao động từ 70.000- 80.000 NDT (239-273 triệu đồng).
Nói về lý do nghỉ việc, cô Tuyết thẳng thắn chia sẻ: "Công việc khác với lý tưởng của tôi là thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và toàn diện của trẻ. Tôi cảm nhận bản thân không hoàn thành đúng trách nhiệm. Hơn nữa, khối lượng việc phụ lớn khiến tôi không có thời gian nghỉ ngơi, ngay cả khi về nhà".
Nghỉ việc ở trường mầm non hồi tháng 8, cô Tuyết làm phục vụ trong nhà hàng cao cấp từ tháng 9-11. Có người cho rằng, cô Tuyết không thể tìm được công việc lương cao hơn giáo viên mầm non. Thực tế, khi làm tại nhà hàng mức lương của cô Tuyết tương đối ổn. "Điều quan trọng, tôi cảm thấy thoải mái hơn so với công việc trước đây", nữ giáo viên cho hay.
Câu chuyện nữ giáo viên mầm non chia sẻ, nhận được sự đồng cảm của nhiều đồng nghiệp. Phần lớn họ bày tỏ mong muốn được giảm tải công việc và yêu cầu không sử dụng Nền tảng giáo dục an toàn trường học vì chiếm nhiều thời gian.
Hiện, nữ giáo viên vừa xin vào một cơ sở giáo dục tư nhân, chịu trách nhiệm làm kế hoạch cho các hoạt động của trường trong năm. "Giống như ở trường mẫu giáo, tôi cũng phải lập kế hoạch hoạt động, nhưng không phải đối phó với mối quan hệ giữa phụ huynh và học sinh. Tôi đang làm công việc đúng nghĩa là giáo dục", cô Tuyết chia sẻ.
Theo Sohu