VietNamNet có cuộc trò chuyện cùng nữ du học sinh Việt tại Anh quốc về kinh nghiệm đạt điểm cao khi thi IELTS.

Không hề luyện thi nhưng Thu Trang vẫn xuất sắc giành IELTS 8.0

Khi tham gia dự thi IELTS, theo em cần lưu ý những gì với mỗi phần thi để có thể đạt được điểm cao?

Khi dự thi IELTS em chủ yếu tự học. Thực ra em cũng có lợi thế khi học đại học ở Việt Nam chủ yếu học bằng tiếng Anh nên có điều kiện trau dồi ngôn ngữ. 

Hơn nữa, em không quá chú tâm vào học IELTS mà chú trọng vào tiếng Anh học thuật nói chung. Sau khi tự học, em thi IELTS vào tháng 10/2021 và chỉ dành 2 tuần tự ôn thi.

Kinh nghiệm của em với kỹ năng nghe: Một trong những điều em cần phải rèn nhiều và lưu ý khi luyện kỹ năng này đó chính là sự tập trung. Sự tập trung với em không chỉ là để tâm vào đoạn hội thoại mà còn là sự bình tĩnh trong xử lý các câu hỏi mình lỡ bỏ qua và nhanh chóng ổn định tinh thần để chăm chú nghe tiếp. 

Trong bài nghe có nhiều 'bẫy', đôi khi để trả lời câu hỏi sẽ cần ghi nhớ các thông tin, việc giữ được sự tập trung này là chìa khóa giúp em nhận ra đâu là câu trả lời đúng và nếu có lỡ mất em có thể kịp ghi thông tin xung quanh xuống để về sau quay lại suy luận. 

Để rèn được sự tập trung, em thường sử dụng kỹ thuật note-taking (ghi chép nhanh). Trong bài thi thật, những lúc em cảm thấy lo lắng hoặc bài có nhiều thông tin em sẽ dùng kỹ thuật này để tập trung và xử lý thông tin chính xác hơn.

Với kỹ năng đọc em nghĩ rằng việc phân bổ thời gian làm các bài đọc rất quan trọng bởi nếu sa lầy vào một bài, em có thể bị thiếu thời gian hoàn thiện các bài còn lại với độ chính xác không cao. 

Một lưu ý khác mà em nghĩ mọi người ai cũng rõ nhưng có thể vẫn mắc phải đó là tránh trả lời câu hỏi theo cảm tính hoặc kiến thức nền mà không bám sát vào dữ liệu đề bài. Dù ở dạng bài nào trong phần thi này, các bạn sẽ cần thực sự tìm được dẫn chứng trong bài để có câu trả lời chính xác.

Kỹ năng nói + viết: Đây là hai kỹ năng em nghĩ làm khó các bạn thí sinh nhất, cũng là hai kỹ năng mất nhiều thời gian hơn để cải thiện. Một điểm lưu ý chung là cần thực sự hiểu đề bài và hiểu tiêu chí đánh giá của IELTS để có thể đáp ứng những tiêu chí đó. Các bạn mong muốn band điểm khác nhau sẽ cần tìm hiểu chi tiết 4 tiêu chí để tự đánh giá bản thân và chuẩn bị ôn tập cho phù hợp.

Em có thể chỉ ra những sai lầm gặp phải trong làm bài thi?

Sai lầm 1: Dành quá nhiều thời gian luyện đề. IELTS là kỳ thi đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ nên câu hỏi quan trọng hơn là sau khi luyện đề nhiều như vậy, với bài tập, câu hỏi và tình huống bất kì nào, bạn vẫn có thể đáp ứng tiêu chí đánh giá trong IELTS không? Bên cạnh luyện đề, em nghĩ các bạn có thể dành thời gian khắc phục những kĩ năng, những phần còn yếu ví dụ như từ vựng, ngữ pháp để có thể tự tin với mọi dạng bài.

Với Trang, mỗi phần thi cũng phải có chiến thuật ôn riêng.

Sai lầm 2: Sử dụng câu văn hoặc cụm từ nâng cao nhưng chưa đúng ngữ cảnh trong phần thi nói và viết. Em nhận thấy một điều khá phổ biến, đặc biệt ở các bạn thang điểm từ 5.0-6.5 - các bạn sẽ có thiên hướng sử dụng các từ hay cụm từ cao cấp khá thường xuyên. Tuy nhiên, đôi khi các bạn chưa thực sự hiểu ngữ cảnh cần dùng và nên dùng dẫn đến việc sử dụng chúng một cách thiếu tự nhiên hoặc thậm chí không đúng. 

Điều này có thể gây ra hiểu nhầm hoặc đôi khi là lúng túng trong quá trình các bạn làm bài. Vậy nên, các bạn cần ưu tiên tính chính xác hơn là nỗ lực thể hiện rằng bản thân đã tích lũy được nhiều từ vựng nâng cao.

Em có thể nói kỹ hơn về kinh nghiệm đạt 8.0 trong phần thi viết?

Hành trình đến 8.0 overall và 8.0 writing là một quãng đường dài và nhiều thách thức với em dù bản thân em là học sinh chuyên Anh. 

Đầu tiên nên tạo thói quen lập dàn ý với mỗi task: Em thường lập dàn ý với những từ/cụm từ nâng cao em muốn dùng trong bài và đặt tiêu chí sao cho nhìn vào đó, em biết tổng thể em viết gì và có liên kết với nhau không. Em rèn luyện để có thể dành ra tối đa 5 phút cho mỗi task để lập dàn ý. Điều này vừa giúp em tránh được những lúc tâm lý mà quên đi những từ hay đã gặp, vừa giúp em nhìn rõ được bố cục liệu đã trả lời đúng câu hỏi, thể hiện được sự mạch lạc và tính liên kết hay chưa.

Luôn viết nhiều bản nháp: Em không viết quá nhiều bài mà tập trung vào cải thiện cách mình viết. Với mỗi topic, em sẽ viết 3 bản nháp. 2 bản đầu sẽ là em tự viết và tự chỉnh sửa bài làm. Đến bài thứ 3, em sẽ gửi nhờ giáo viên hoặc bạn bè đã đạt điểm cao để nhận xét. 

Tham khảo bài mẫu để học hỏi: Trong writing task 1 có nhiều biểu đồ phức tạp và nhiều thông tin khiến em không biết sẽ cần sắp xếp bố cục và chọn lọc ra sao. Việc tham khảo bài mẫu không chỉ giúp em học hỏi được cách dùng từ, cấu trúc, mà còn cải thiện cho em cách phân tích và thể hiện dữ liệu. 

Tuy nhiên, dù trong bài thi chuẩn hóa như IELTS, mỗi cá nhân sẽ có ‘’gu’’ viết riêng bởi viết là việc hữu hình hóa quá trình tư duy nên em vẫn cần hiểu lối viết cá nhân của mình để cân nhắc việc tham khảo và học hỏi ở mức nào. 

Nhận xét bài cho người khác: Bên cạnh việc từng giảng dạy, em may mắn có sự tin tưởng từ bạn bè để nhờ em nhận xét giúp. Em đã học hỏi được nhiều từ cách các bạn viết, sử dụng cấu trúc, từ vựng, triển khai ý...   

Cảm ơn em về cuộc trò chuyện! Chúc em có nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!