Khảo sát tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy tỷ lệ trẻ bị các vấn đề về mắt ngày càng tăng cao. Tại Hà Nội, khoảng 51% trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3% (năm 2020).  

Trong khi đó, tại TPHCM, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6% trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm 52,7% (năm 2023). Một khảo sát khác vào năm học 2019-2020, do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) thực hiện, ghi nhận tỷ lệ học sinh mắc khúc xạ là hơn 27%. 

Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, trong nhóm từ 6-15 tuổi, tỷ lệ cận thị ở trẻ em thành thị chiếm 20-40%, cao gấp đôi so với trẻ em ở nông thôn (10-15%).

Giáo dục   THCS (7).jpg
Số lượng học sinh gia tăng liên quan tới cả di truyền và nếp sinh hoạt. Ảnh minh họa

Theo thông tin của Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cận thị học đường: 

1. Di truyền

Cận thị liên quan nhiều đến cấu trúc mắt, vì thế hoàn toàn có thể di truyền, có hơn 24 gene liên quan đến nguy cơ này. Nếu cha hoặc mẹ bị cận thị thì tỷ lệ di truyền cho con cái là 23-40%. Nếu cha và mẹ không bị cận thị thì vẫn có 6-10% khả năng con cái sinh ra bị cận thị.

2. Lối sống

Tư thế ngồi học

Hầu hết trẻ hiện nay đều sai tư thế ngồi học. Nếu không được người lớn hướng dẫn, đa số trẻ sẽ bò ra bàn hoặc nằm lên giường để học, khiến trẻ dễ bị mắc tật khúc xạ. Ngoài ra, nơi ngồi học không đủ ánh sáng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cận thị học đường. Vì thế, cha mẹ và giáo viên nên theo sát trẻ, đảm bảo trẻ luôn ngồi học đúng tư thế. 

Lạm dụng công nghệ

Đây là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu của cận thị học đường. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình có thể xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu, tác động trực tiếp đến đáy mắt khiến mắt dễ bị khô và cận thị. Bên cạnh đó, thời gian dùng thiết bị công nghệ quá nhiều sẽ khiến mắt liên tục phải điều tiết. Lâu ngày thủy tinh thể không thể xẹp xuống như hình dạng ban đầu, dẫn đến tật cận thị.

Phòng ngừa cận thị cho trẻ

Chơi ngoài trời: Nghiên cứu cho thấy trẻ dành hơn 90 phút dưới ánh sáng tự nhiên mỗi ngày sẽ làm chậm tiến triển của cận thị. Các em có thể để mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn vào những thứ ở khoảng cách xa hơn.

Sử dụng ánh sáng tốt: Bằng cách học tập, sinh hoạt trong điều kiện ánh sáng phù hợp, trẻ em có thể giảm mỏi mắt.

Hạn chế thời gian sử dụng màn hình: Giảm số giờ trẻ dành cho điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng. Cha mẹ có thể tạo một "khu vực không điện thoại" trong nhà, dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện hoặc vui chơi với con. 

Dạy trẻ em sử dụng quy tắc 20-20-20: Học viện Nhãn khoa Mỹ khuyến cáo nên tuân theo quy tắc đơn giản để giảm mỏi mắt: Cứ sau 20 phút, hãy tập trung mắt vào một vật cách xa ít nhất 20 feet (6m) trong ít nhất 20 giây.

Một trong những mục tiêu của Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới phát triển chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học: 

- 80% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh.

- 85% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học.

- 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh.

- 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng. 

- 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh.

- 80% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 75% phòng học đạt yêu cầu về chiếu sáng (độ rọi không dưới 300 Lux); 50% trường học phổ thông bố trí bàn ghế bảo đảm cỡ số theo nhóm chiều cao của học sinh, phù hợp cho học sinh khuyết tật.