Đơn hàng dồi dào

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tăng 6,9% so với tháng trước. Xuất khẩu ước tính đạt kim ngạch 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng trong nước tháng 10 cũng tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 357.900 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng 9...

Sau khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, các bộ ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có sự khởi sắc, nhất là tại khu vực phía Nam.

TP.HCM, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 lần thứ 4, nay đang trên đà phục hồi sản xuất.

Hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, Công ty TNHH May mặc Dony đang tăng cường sản xuất để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Điều đáng mừng, ngay khi hoạt động trở lại, DN ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản, tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Với quy mô gần 100 lao động, DN phải làm liên tục từ nay cho đến qua Tết Nguyên đán, đại diện công ty cho biết.

{keywords}
DN dệt may bắt đầu phục hồi sản xuất, đơn hàng dồi dào.

Công ty Việt Thắng Jean (TP. Thủ Đức) cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, với gần 600 công nhân. DN đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.

Công ty Nam Hoa, chuyên sản xuất đồ chơi gỗ xuất khẩu có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, đặt tại huyện Bình Chánh, cho hay đang sản xuất 3 ca/ngày để có hàng xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ. Nhiều đối tác tiếp tục đặt hàng cho dịp Noel và năm mới, nhưng công ty ngưng nhận vì đơn hàng đã kéo dài đến hết tháng 4 năm sau, số lượng tăng 30%.

Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, hiện nay, 100% DN trong khu đã sản xuất trở lại với quy mô 50-75%. Các DN đã lên kế hoạch phục hồi toàn bộ hoạt động vào giữa tháng 11.

Trong khi đó, theo Cục Hải quan TP.HCM, tháng 10/2021, hoạt động xuất nhập khẩu của các DN có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,7 tỷ USD, tăng 25,8% so với tháng 9/2021. Điều này góp phần thu ngân sách hơn 800 tỷ đồng.

Đồng loạt tăng công suất

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, từ đầu tháng 10/2021, địa phương đã trở lại trạng thái 'bình thường mới'. Trên 92% DN trong các khu công nghiệp đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất.

Các DN đang liên tục bổ sung lao động, để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đồng thời, DN cũng tổ chức cho lao động đi, về hàng ngày, bỏ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”.

Một số DN cho biết, nếu dịch bệnh được kiểm soát ổn định, không xảy ra các ca F0 trong nhà máy thì thời gian phục hồi sản xuất chỉ mất 2-3 tháng. Nhiều DN có thuận lợi là phía đối tác cho kéo dài thời gian giao hàng và đặt thêm đơn hàng mới.

{keywords}
Trên 92% DN trong các khu công nghiệp đã khôi phục sản xuất.

Tại Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (KCN Biên Hòa 2), khi tỉnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, công ty đã đưa hơn 1.000 lao động trở lại nhà máy.

Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (KCN Long Đức, huyện Long Thành) cũng đăng ký cho toàn bộ lao động “vùng xanh” trở lại nhà máy làm việc. Do được các đối tác chia sẻ khó khăn bằng cách kéo dài thời gian giao hàng và giữ nguyên các đơn hàng, nên khi quay lại sản xuất công ty phải tăng công suất ngay. Dự tính, năm 2021, doanh thu của công ty đạt 120 triệu USD.

Số liệu của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho thấy, đến ngày 28/10, đã có 1.968 DN trong các khu công nghiệp của tỉnh khôi phục lại hoạt động sản xuất, đạt trên 96%. Số lượng lao động trở lại làm việc là gần 373.000 người, đạt gần 76,4%. Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn.

Sau khoảng một tháng, các DN đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, DN được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất. Trường hợp có F0 trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt, không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả DN.

Đại diện Công ty TNHH Minh Long 1 cho biết, sau một tuần hoạt động, đến nay số lượng nhân viên đã đạt gần 100%, với 1.200 người. Ưu tiên hàng đầu của DN là tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng.

Trong khi đó, Công ty CP Vitaly chuyên sản xuất gạch men tại KCN Bình Chuẩn (Bình Dương) mở cửa sản xuất trở lại từ ngày 20/10. Theo bà Vũ Trang Nhung, Trưởng phòng Kinh doanh, ngoài việc sản xuất theo đơn hàng của các đối tác tại Malaysia và Yemen, Vitaly còn sản xuất sản phẩm mới cho thị trường trong nước. Vì thiếu lao động nên trước mắt chỉ sản xuất khoảng 40% công suất nhà máy. Đầu tháng 11, công ty sẽ tăng tốc và mở rộng sản xuất hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại Long An, đến nay có khoảng 50% DN trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới” với trên 150.000 lao động. Chỉ riêng huyện Đức Hòa có hơn 900 DN đang sản xuất, với khoảng 60.000 lao động.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tháng 10/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi đáng kể, DN có nhiều đơn hàng. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là nguy cơ lạm phát tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí nhân công, chi phí phòng chống dịch cao... Vì vậy, gói hỗ trợ về tài chính lúc này là rất cần thiết, để giúp DN phục hồi tốt hơn, có như vậy mới đảm bảo tăng trưởng nhanh những tháng cuối năm và cả cho năm 2022.

Trần Thủy

Áp 'ba tại chỗ': Công nhân chối việc, đối tác hủy đơn hàng, DN kêu trời

Áp 'ba tại chỗ': Công nhân chối việc, đối tác hủy đơn hàng, DN kêu trời

Tiếp tục bị áp làm việc 3 tại chỗ, công nhân không chịu làm việc, đối tác hủy đơn hàng, DN chán nản vì kêu ca nhưng chậm được phản hồi.