Đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS hôm 12/11 trích dẫn các nguồn tin chính phủ cho hay, các nhà hàng, quán bar và những cửa tiệm không kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu sẽ phải đóng cửa vào lúc 19h hàng ngày trong ít nhất 3 tuần kể từ ngày 13/11.

{keywords}
Đường phố Amsterdam, Hà Lan khi bị áp phong tỏa chống Covid-19. Ảnh: Reuters

Mọi người dân được yêu cầu làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt. Các sự kiện thể thao sẽ không được phép đón khán giả tới xem trực tiếp trong những tuần tới. Song, các trường học, rạp hát và rạp chiếu phim sẽ vẫn được phép mở cửa.

Nội các của quyền Thủ tướng Mark Rutte đã đưa ra quyết định cuối cùng và công bố các biện pháp chống dịch mới trong buổi họp báo được phát trực tiếp trên truyền hình tối 12/11 (giờ địa phương).

Theo Reuters, số ca mắc mới ở quốc gia có 17,5 triệu dân này đang tăng rất nhanh sau khi nhà chức trách cho dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 9. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Hà Lan có thêm 16.300 ca nhiễm, mức cao kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 2,3 triệu, bao gồm 16.204 trường hợp tử vong.

Làn sóng lây nhiễm mới đã gây áp lực lên hệ thống bệnh viện khắp toàn quốc, buộc họ phải mở rộng lại quy mô chăm sóc thường xuyên để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Quyết định tái áp phong tỏa đánh dấu một bước ngoặt mạnh mẽ về chính sách đối với Chính phủ Hà Lan, khi nhà chức trách cho đến tháng trước vẫn nghĩ sẽ tiếp tục nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế vào cuối năm nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao.

Cho đến nay, khoảng 85% người trưởng thành ở Hà Lan đã hoàn thành tiêm chủng. Nhà chức trách cũng cho tiêm mũi vắc xin tăng cường đối với một nhóm nhỏ những người có hệ miễn dịch suy yếu. Những công dân từ 80 tuổi trở lên dự kiến sẽ được tiêm nhắc lại vào tháng 12.

Nga áp hạn chế gắt gao nhất thế giới

Theo báo RT, Nga có thể sẽ cho triển khai một số biện pháp hạn chế chống Covid-19 gắt gao nhất thế giới nếu dự luật được quốc hội nước này thông qua.

Dự luật yêu cầu mọi người trưởng thành sẽ phải quét mã QR xác nhận đã tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh khi sử dụng các phương tiện công cộng, vào các cửa hàng, địa điểm văn hóa, quán cà phê và những nơi cộng cộng khác cho tới tận ngày 1/6 năm sau.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho biết, các quy định mới dự kiến mãi đến tháng 2/2022 mới có hiệu lực. Cho đến lúc đó, các công dân chưa tiêm phòng vẫn có thể vào những địa điểm công cộng bằng cách xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Song, từ ngày 1/2 năm sau, dự kiến chỉ những người mắc các chứng bệnh nặng không thể tiêm vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 mới được phép làm điều này.

Tính đến ngày 13/11, Nga vẫn là "điểm nóng" về dịch trên thế giới với gần 9 triệu ca mắc, xấp xỉ 253.000 triệu bệnh nhân thiệt mạng. Nước này thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng thấp, với chỉ 41% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 35% đã tiêm đủ liều và 1,6% được tiêm liều tăng cường.

Đức đối mặt tháng 12 đen tối

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố, nước này đang đối mặt với một "tháng 12 cay đắng hơn" nếu không thực thi các biện pháp khẩn cấp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.

Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm cao kỷ lục, ông Spahn thông báo, nhà chức trách sẽ cho xét nghiệm miễn phí trở lại từ ngày 13/11 và dự định ban hành quy định 2G+, theo đó ngoài việc có kết quả xét nghiệm âm tính, mọi người sẽ phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh nếu muốn tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao và những hoạt động khác.

Chính phủ Đức đã đưa Áo, Cộng hòa Séc và Hungary vào danh sách những nơi có nguy cơ cao vì dịch bệnh và khuyến cáo công dân tránh đến những nơi đó. Lãnh đạo Viện Robert Koch cũng khuyến nghị người dân Đức tránh các cuộc tụ tập đông người nhằm làm chậm lại đà lây lan của mầm bệnh nguy hiểm.

Các động thái diễn ra khi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 hàng tuần tại Đức đã vọt lên mức kỷ lục là 263,7/100.000 người. Các giường chăm sóc tích cực tại các bệnh viện đang bị kín chỗ rất nhanh.

Quốc gia châu Âu này hiện ghi nhận tổng cộng gần 5 triệu ca mắc, 98.050 bệnh nhân tử vong. 67% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin và 4,3% được tiêm liều bổ sung.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 13/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 253,1 triệu người, trên 5,1 triệu ca tử vong. Song, hơn 228,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 47,8 triệu ca mắc, trên 782.000 bệnh nhân không qua khỏi. 59% dân số nước này đã tiêm đủ liều vắc xin và 7,9% được tiêm mũi tăng cường.

- Theo báo Guardian, Quốc hội Latvia đã phê chuẩn việc cấm các nghị sĩ từ chối tiêm chủng tham gia bỏ phiếu về các vấn đề lập pháp cũng như dự họp bàn tại nghị trường. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11 cho đến giữa năm 2022. Latvia hiện là một trong những nước có tỉ lệ chủng ngừa Covid-19 thấp nhất Liên minh châu Âu (EU), với 64% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 57% tiêm đủ liều.

- Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Riêng Philippines vẫn chứng kiến số ca tử vong ở mức trên 100 ca/ngày. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

- Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này có thêm 2.368 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 390.719 người. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca mắc mới theo ngày tại xứ sở kim chi tăng ở mức trên 2.300 ca. Cũng theo KDCA, nước này vừa ghi nhận thêm 18 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 3.051 ca. Cho đến nay, 77% dân số Hàn Quốc đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19 và 1,6% được tiêm mũi tăng cường.

Tuấn Anh

Thế giới hơn 250 triệu ca Covid-19, Malaysia có người đầu tiên mắc biến thể AY.4.2

Thế giới hơn 250 triệu ca Covid-19, Malaysia có người đầu tiên mắc biến thể AY.4.2

Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu hiện đã vượt mốc 250 triệu ca, bao gồm gần 5,1 triệu trường hợp tử vong, theo thống kê của trang Worldometers.

Thuốc trị Covid-19 của Pfizer hiệu quả cao, Hong Kong có ca đầu tiên mắc Delta Plus

Thuốc trị Covid-19 của Pfizer hiệu quả cao, Hong Kong có ca đầu tiên mắc Delta Plus

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer tuyên bố, một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 của họ đã giảm 89% khả năng nhập viện và tử vong ở những người trưởng thành có nguy cơ cao phát bệnh nặng sau nhiễm virus.