Theo Bloomberg, thống kê từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, khoản vay nợ ngoài ngân sách của nước này tăng 6% từ mức 13,9 tỷ NDT trong quý III năm 2019.

Nguyên nhân đến từ các gói kích thích kinh tế của Bắc Kinh và một loạt khoản đầu tư tham vọng vào cơ sở hạ tầng. Kế hoạch phát triển kinh tế đến năm 2035 của chính quyền ông Tập Cận Bình cũng thúc đẩy các khoản vay ngoài ngân sách tăng cao.

Hiện tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương chiếm 90% GDP. Mức này sắp chạm tới “giới hạn đỏ” mà Bắc Kinh đưa ra trong quy định tái cấp vốn.

{keywords}
Tỷ lệ nợ tiềm ẩn của Trung Quốc tăng 6% từ mức 13,9 tỷ NDT trong quý III năm 2019.

Trước đó, Trung Quốc đã tung ra gói cứu trợ kinh tế chưa từng có, bao gồm đợt phát hành trái phiếu kho bạc với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ NDT (tương đương 154,6 tỷ USD) và 3.750 tỷ NDT trái phiếu trong nước nhằm giải cứu các doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19.

Khoản hỗ trợ tập trung vào các công ty bất động sản, cơ sở tài trợ chính quyền địa phương (LGFV) và các nhà sản xuất năng lượng.

Bắc Kinh cũng đang tăng cường dốc tiền vào các dự án nâng cấp hạ tầng toàn diện, chủ yếu tập trung vào hạ tầng giao thông với mục tiêu nâng quy mô nền kinh tế lên gấp đôi vào năm 2035. Nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều khả năng quốc gia châu Á sẽ vượt Mỹ trong những năm tới.

Tuy vậy, chiến lược kích thích kinh tế quá phụ thuộc vào chi tiêu hạ tầng của Trung Quốc có thể tạo thêm gánh nặng về nợ cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đi vay đã vỡ nợ khoảng 10 tỷ USD trái phiếu trên cả thị trường tín dụng trong nước và nước ngoài. Trong đó, các nhà phát triển bất động sản chiếm đến 20% tổng số vụ vỡ nợ tại quốc gia này.

Ông Liu Lei, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho rằng khoản nợ tiềm ẩn của Trung Quốc có thể tiếp tục phình to trong năm nay.

Theo ông, các chính quyền địa phương đang chịu áp lực mở rộng đầu tư là nguyên nhân chính gia tăng nợ. Cùng lúc đó, sự thiếu minh bạch trong việc công bố sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp đi vay cũng khiến công tác kiểm soát nợ trở nên khó khăn.

“Đi vay như vậy tốn kém hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ, khoản lãi có thể hơn 700 tỷ NDT mỗi năm. Nhiều tổ chức tài chính lớn như quỹ tín thác, ngân hàng và công ty môi giới đã đứng ra mua nợ. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống tài chính Trung Quốc”, ông Liu nhấn mạnh.

(Theo Zing)