Những năm qua, huyện Kim Sơn đã tập trung đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, lấy trọng tâm là nuôi trồng thuỷ sản nước lợ vùng bãi bồi ven biển theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, tập trung phát triển mạnh các loại chính là tôm thẻ, tôm sú, cua rèm, cá bống bớp, cá vược, cá ngao…
Thời gian qua, tại Kim Sơn đã có nhiều mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng nhà lưới để nuôi tôm 3 vụ/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh trên ao tròn, ao nổi; sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường ao nuôi; sử dụng hệ thống sục khí để tăng mật độ con nuôi… Các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với nuôi quảng canh truyền thống.
Điển hình là mô hình nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Đinh Văn Giang, xóm 4, xã Kim Trung. Mô hình này có diện tích hơn 2 mẫu đầm, với con nuôi chủ lực là tôm, cua. Trước đây, nếu áp dụng hình thức nuôi truyền thống thì mỗi năm gia đình anh Giang chỉ thu hoạch được 1 vụ, tuy nhiên từ khi chuyển sang mô hình mới áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao thì mỗi năm gia đình anh thu hoạch được 3 vụ, thu nhập bình quân từ 400 – 700 triệu đồng/ha/năm.
Hoặc như mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình ông Dương Viết Luynh ở thị trấn Bình Minh. Với quy mô 1,6ha nuôi thương phẩm tôm càng xanh bán thâm canh (160.000 con tôm giống). Sau thời gian 7 tháng thực hiện mô hình với ứng dụng công nghệ cao thì sản lượng tôm thương phẩm tăng mạnh, ước đạt 4.200 kg, doanh thu đạt 966 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 405 triệu đồng.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh, đạt gần 100 ha. Nhờ sản xuất được 3 vụ/năm nên giá trị thu được cao gấp 5-10 lần so với nuôi truyền thống trước đây.
Ngoài các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì hoạt động sản xuất ngao giống, hàu giống, cua xanh cũng đang được các cơ sở quan tâm đầu tư phát triển. Nghề nuôi ngao, hàu giống bắt đầu xuất hiện ở huyện Kim Sơn từ năm 2016 đến nay đã phát triển mạnh mẽ và trở thành nghề mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho nhiều hộ dân vùng ven biển. Hiện nay toàn huyện đã có 301 trại sản xuất giống hàu, giống ngao và 2 trại sản xuất cua giống.
Năm 2023, sản lượng sản xuất ngao giống của huyện đạt 99.208 triệu con, hàu giống đạt 16.000 triệu con, trở thành một trong những nơi cung cấp ngao, hàu giống lớn của cả nước. Và vừa qua, hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận, góp phần phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cũng được các địa phương quan tâm phát triển. Thời gian qua, tại các địa phương có một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản hoặc nuôi thuỷ sản kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là 4.467 ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 33.500 tấn.
Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản có hơn 4.900 ha, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 69.900 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng nuôi trồng là 63.200 tấn; giá trị sản xuất đạt 2.228,2 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2022.
Để tiếp tục phát triển mạnh việc nuôi trồng thuỷ sản, huyện Kim Sơn đã tích cực tuyên truyền cho người dân phát triển các mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, ngành thuỷ sản của huyện cũng đã tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện nuôi thả từ công tác cải tạo ao đầm, khử trùng và vệ sinh đáy ao nuôi đến công tác kiểm soát môi trường ao nuôi, dịch bệnh giống thủy sản.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giống được siết chặt, UBND huyện Kim Sơn đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát vận chuyển giống thủy sản lưu thông trên địa bàn huyện và kiểm tra 15 cơ sở sản xuất, ương dưỡng các giống ngao, hàu; cơ sở kinh doanh thức ăn chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản.
Ngoài ra, huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tập trung vào các nội dung về kỹ thuật phòng, trừ bệnh cho các đối tượng nuôi chính, cảnh báo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng kỹ thuật canh tác, giảm thiểu dịch bệnh trong vụ sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản ven biển Kim Sơn.