Quảng Bình là tỉnh ven biển thuộc Bắc Trung Bộ, có 6 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, có đường bờ biển dài 116.04 km với 5 cửa sông; trong đó có 2 cửa sông lớn là Nhật Lệ và cửa Gianh. Có hệ thống đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Chùa, Hòn Nồm, Hòn Cỏ. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Bình tiếp tục xác định nuôi trồng thủy sản ven biển là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

W-nuoi-trong-thuy-san-1.jpg
Tỉnh Quảng Bình xác định, phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, hiện nay, Quảng Bình có 6.155 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi mặn lợ là 1.485 ha và nuôi nước ngọt 4.670 ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, một số ít ốc hương, cá chẽm, cua, cá dìa đối với nuôi mặn lợ và các loài cá truyền thống như rô phi, trắm, chép, mè..., một số ít đặc sản như cá chình, lươn, ếch đối với nuôi nước ngọt. Sản phẩm chủ yếu phục vụ cung cấp cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 dự án đang hoạt động nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích đất sử dụng là 1.080ha, chia thành hai nhóm.

Theo đó, có 13 dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên cát với diện tích đất được giao khoảng 314,41ha, tập trung tại các xã vùng ven biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi tôm như Ngư Thủy Bắc, Hải Ninh, Bảo Ninh, Trung Trạch; 11 dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên ao (hồ) với diện tích khoảng 765,59ha tập trung tại các xã, phường ven sông của tỉnh.

Triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, thời gian tới đây, tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; góp phần phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Trong đó, thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, Quảng Bình đã tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch phát triển ngành tôm tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, trong đó xác định rõ các vùng nuôi tôm tập trung như: Nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao ở xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy); xã Trung Trạch, Đại Trạch (huyện Bố Trạch); nuôi thâm canh, bán thâm canh tại phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch). 

Để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, tỉnh yêu cầu các địa phương cũng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý môi trường, đất đai và quy định trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng giải pháp khoa học kỹ thuật, ứng dụng sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Thời gian tới nghiên cứu xây dựng, chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nhằm gia tăng giá trị sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Bình đạt 8.177 tấn, bằng 102,3% so cùng kỳ.

Theo Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay thời tiết khá thuận lợi đã tạo điều kiện cho bà con duy trì ổn định hoạt động nuôi trồng thủy sản. 

Tại huyện Quảng Ninh, trong 3 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 906 ha, tăng 0,55ha so với cùng kỳ năm trước.

Để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, huyện Quảng Ninh tiếp tục chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác nuôi trồng thủy sản; tiếp tục triển khai nuôi, bảo vệ nguồn lợi hàu trên sông Nhật Lệ; chủ động chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cá giống, tôm nuôi,...; tổ chức thả các giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2023.