Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong cuộc xung đột với Ukraine đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mở rộng thị phần tại quốc gia này.
Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu báo cáo rằng các tập đoàn ô tô Chery, Great Wall Motor và Geely của Trung Quốc đã chiếm tổng cộng 16,5% doanh số bán xe mới bao gồm xe du lịch và xe thương mại cỡ nhỏ tại Nga trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 6,3% của năm trước đó.
Trong đó, Chery tăng 31% doanh số bán hàng tại Nga, đạt 53.000 xe, Geely giảm nhẹ 0,7% xuống còn 24.000 xe.
Truyền thông Nga đưa tin, thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh ngay từ quý 1 năm nay khi họ được hưởng lợi từ việc dễ dàng duy trì nguồn cung cấp phụ tùng từ Trung Quốc.
Giống như Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, Trung Quốc không gia nhập các nước áp dụng các biện pháp trừng phạt do phương Tây khởi xướng đối với Nga.
Trong cuộc gặp với ông Vương Nghị - nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Moscow vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Quan hệ Nga - Trung đang tiến triển và tăng trưởng đều đặn, và chúng ta đang đạt được những cột mốc mới".
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại giữa hai nước đã tăng 30% trong năm ngoái, đạt mức kỷ lục năm thứ 2 liên tiếp.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra cách đây một năm trước, hầu hết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã ngừng sản xuất tại Nga. Nhiều tập đoàn ô tô lớn như Renault, Mercedes-Benz, Toyota, Nissan, Mazda, Ford,... đều đã rời khỏi thị trường Nga sau khi chuỗi cung ứng bị đứt đoạn do giao tranh quân sự.
Nhìn chung, doanh số bán xe ô tô mới tại Nga đã giảm 59% vào năm ngoái, xuống còn khoảng 690.000 xe. Doanh số bán hàng của các hãng xe nước ngoài đã giảm khoảng 80% và điều này đã trực tiếp mang lại lợi ích cho các thương hiệu ô tô Trung Quốc và Nga.
Thị phần của nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga là AvtoVAZ tăng từ 21,4% lên 27,4%, nhưng doanh số bán hàng của nhà sản xuất ô tô Lada lại giảm 46% do thiếu linh kiện, phụ tùng và nhà máy ngừng hoạt động.
Cũng nhờ đó, các thương hiệu xe Trung Quốc ngày càng có cơ hội thâm nhập sâu hơn và tăng trưởng doanh số bán hàng tại thị trường ô tô Nga.
Khi Renault rời khỏi và để lại nhà máy ở Moscow vào năm ngoái, thương hiệu Moskvich thời Liên Xô sau hơn 20 năm ngừng hoạt động đã được Chính phủ Nga “hồi sinh” để tiếp quản nhà máy và bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 11/2022.
Sản phẩm đầu tiên được sản xuất là Moskvich 3. Tuy nhiên, thực tế mẫu SUV cỡ nhỏ này lại dựa trên kiểu dáng thiết kế của Sehol X4 do hãng xe Trung Quốc có tên An Huy Giang Hoài (JAC) sản xuất từ 2020 với nhiều bộ phận được cho là sản xuất tại Trung Quốc.
Một hãng ô tô khác của Nga là AvtoVAZ cũng đang cân nhắc hợp tác với một tập đoàn ô tô Trung Quốc để sản xuất xe tại nhà máy lắp ráp ở St. Petersburg do Nissan bỏ lại. Nếu hợp tác suôn sẻ, liên doanh này sẽ sản xuất và lắp ráp khoảng 10.000 xe mỗi năm, chủ yếu là các dòng xe cao cấp.
Ngô Minh (Theo Nikkei)
Bạn có bình luận thế nào về góc nhìn trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!